Vay vàng đầu tư đất, "méo mặt" vì giá vàng tăng
Nhiều nhà đầu tư "méo mặt" vì từng vay vàng đầu tư bất động sản khi giá vàng hiện tăng quá mạnh.
Giữa năm 2018, chị Nguyễn Mến mua căn chung cư diện tích 83m2 tại Hoài Đức, Hà Nội với giá hơn 1,2 tỷ đồng. Khoản tiền tự có 100 triệu đồng, chị Mến vay người thân 6 cây vàng nhẫn, không mất lãi. Vì lo ngại khoản lãi mỗi tháng từ ngân hàng cũng như mức lãi suất biến động, vợ chồng chị Mến ưu tiên phương án vay vàng.
Chị Mến cũng cho rằng, giá vàng ít biến động nên việc vay vàng sẽ hợp lý hơn so với vay ngân hàng do lãi suất thả nổi có thể tăng mạnh. Theo chị Mến kể, thời điểm đó, giá vàng chỉ khoảng 3,3 triệu đồng/chỉ. Với 6 cây vàng, chị Mến đem bán, thu về khoảng hơn 190 triệu đồng.
"Vì cứ nghĩ là vay người thân không mất lãi nên hai vợ chồng tôi tập trung trả nợ ngân hàng. Ai ngờ đến năm 2022, khi chưa kịp trả người thân, giá vàng tăng lên tới hơn 53 triệu đồng/lượng. Lúc đó, hai vợ chồng tôi xót ruột vì nghĩ, giờ mua vàng trả lại bằng vàng thì đúng là lỗ nặng. Chúng tôi bàn tính, khi nào giá vàng hạ thì sẽ mua để trả nợ. Nhưng từ năm 2022 đến nay, chưa khi nào giá vàng hạ. Năm 2023, giá vàng nhẫn còn lên tới 62-63 triệu đồng/lượng. Đến ngày hôm nay, giá vàng nhẫn tăng đến 78 triệu đồng/lượng", chị Mến kể.
Theo nhẩm tính của chị Mến, trong trường hợp người thân đòi lại khoản vàng đã vay, với mức giá hiện tại (78 triệu đồng/lượng), 6 cây vàng nhẫn sẽ có giá ước tính 468 triệu đồng. "Hơn 6 năm, số tiền vay tăng hơn gấp đôi", chị Mến cho biết.
Cũng "méo mặt" vì từng vay vàng mua đất, anh Phạm Văn Tới (Vinhomes Smart City, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) như đang "ngồi trên đống lửa" vì giá vàng nhẫn leo thang quá nhanh. Năm 2021, đúng thời điểm đất quê sốt đất, anh Tới quyết tâm xuống tiền vào 2 lô đất ở Ba Vì (Hà Nội). Vì cần tiền gấp, anh Tới vay họ hàng 8 cây vàng. Giá vàng nhẫn thời điểm anh Tới bán ra là 46 triệu đồng/lượng.
"Đến hiện tại, tôi chưa dám mua vàng để trả người thân. Tôi mong vàng sớm giảm chứ nếu mua bây giờ, với giá vàng 77-78 triệu đồng/lượng, tôi bù thêm gần 250 triệu đồng so khi bán vàng. Số tiền lỗ còn hơn cả đầu tư đất. Tưởng vay vàng người thân không mất lãi nhưng tính ra thành lãi quá đậm", anh Tới than.
Người Việt Nam thường khi mua nhà, đất (không phải mục đích đầu tư), khi thiếu tiền thường vay họ hàng vàng không lãi. "Hầu như các bác, các chú ở quê đều mua vàng để tiết kiệm. Thế nên mua nhà hay mua đất, người trẻ thường được họ hàng cho mượn vàng. Nhưng giá vàng hiện tại tăng quá mạnh. Đây là rủi ro cho người vay vàng".
Câu chuyện của chị Mến, anh Tới không phải hiếm gặp. Khi giá vàng tăng quá mạnh, nhiều người vay vàng "dở khóc, dở cười" vì số tiền phải trả cao hơn so với lãi suất ngân hàng.
Theo các chuyên gia, giai đoạn 2014-2019, giá vàng không biến động mạnh, nhiều giai đoạn còn giảm. Nhưng từ thời điểm 2020 đến nay, giá vàng tăng không ngừng. Người vay vàng mong giá vàng giảm. Song thực tế, tác động của tình hình thế giới cộng với kỳ vọng của giới đầu tư, giá vàng lại tăng quá mạnh. Thế nên, với nhà đầu tư hoặc người mua nhà, các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng đòn bẩy tài chính để đảm bảo hạn chế rủi ro xảy ra. Dù thừa nhận có thời điểm lãi suất tăng cao nhưng theo các chuyên gia, sự biến động này không tạo ra rủi ro quá lớn cho người mua nhà hay nhà đầu tư bất động sản nếu như khoản vay không quá 50% giá trị tài sản.