MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS: Những gì đã xảy ra từ đầu năm đến nay nhiều khả năng chưa phải là “cú sốc” cuối cùng tới TTCK trong năm 2020

VCBS đã đưa ra 3 kịch bản cho năm 2020 và kịch bản cơ sở là mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính được dự báo giảm ~10-15% so với "đỉnh" của năm 2019.

Trong báo cáo mới được công bố, VCBS đánh giá dịch Covid-19 tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô về (1) Tăng trưởng kinh tế; (2) Lạm phát; (3) Dòng tiền vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, VCBS dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho năm 2020 ở mức 3,5-3,9%; lạm phát cả năm 2020 ở mức 3,0-3,5%. Dòng tiền đầu tư trực tiếp (FDI) sẽ bị gián đoạn trong những tháng đầu năm 2020, và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) sẽ có xu hướng rút khỏi thị trường (bán ròng) ít nhất là trong nửa đầu năm 2020.

VCBS tin tưởng rằng dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và khống chế thành công trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam giai đoạn nửa cuối năm 2020, qua đó hạn chế tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, VCBS cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra từ đầu năm 2020 đến hiện tại nhiều khả năng chưa phải là "cú sốc" cuối cùng tới TTCK trong năm nay. Hệ quả là mức độ biến động trên TTCK năm 2020 sẽ mạnh hơn nhiều so với năm 2019.

Cũng theo VCBS, TTCK sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong nửa đầu năm và dần phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020. VCBS đã đưa ra 3 kịch bản cho năm 2020 và kịch bản cơ sở là mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính được dự báo giảm ~10-15% so với "đỉnh" của năm 2019.

Tuy nhiên, Khối lượng và Giá trị giao dịch trung bình phiên được dự báo tiếp tục tích cực trong phần còn lại của 2020, với mức tăng chung cả năm khoảng +30% yoy. Đặc biệt, khoảng dao động của VN-Index được kỳ vọng lớn hơn nhiều so với 2019, trong khoảng 250-300 điểm.

VCBS cho rằng việc đánh giá tác động của dịch bệnh lần này đến TTCK cũng như nền kinh tế Việt Nam là một thách thức lớn. VCBS đánh giá ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lần này sẽ nhiều hơn là ảnh hưởng tích cực. Tuy nhiên, điểm sáng là mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không có sự lan tỏa mà có sự phân hóa rõ nét.

Cụ thể, nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là những ngành cần "traffic" – tức yêu cầu tập trung khách hàng với mật độ cao, như Hàng không, Dịch vụ lưu trú, Chuỗi cửa hàng phân phối hàng hóa không thiết yếu,…

Tiến độ các dự án bất động sản có thể chịu ảnh hưởng nhưng không nhiều. Hoạt động tiêu thụ dù có chậm trong nửa đầu năm nhưng sẽ tăng tốc hơn trong nửa cuối năm do quý 1 thường là mùa thấp điểm cả về xây lắp và bán hàng.

Một số ngân hàng có thể gián tiếp chịu tác động tiêu cực nhưng có độ trễ và nhiều khả năng sẽ chỉ bắt đầu bộc lộ rõ nét kể từ năm 2021, đồng thời nghiêng nhiều hơn về nhóm ngân hàng có tỷ trọng doanh thu bán buôn lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn nếu tình trạng gián đoạn nguyên liệu đầu vào kéo dài. Tình trạng tiêu dùng suy yếu toàn cầu do chính sách giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực về sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2020 là may mặc, điện thoại và linh kiện điện tử.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên