MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCCI: Lý do cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ "chưa thực sự thuyết phục"

26-12-2019 - 15:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Các hoạt động đòi nợ vi phạm pháp luật trên thực tế thì dù có cấm hay không (đối với ngành nghề này) cũng sẽ xảy ra và pháp luật hiện tại đã có công cụ để quản lý...

Các hoạt động đòi nợ vi phạm pháp luật trên thực tế thì dù có cấm hay không (đối với ngành nghề này) cũng sẽ xảy ra và pháp luật hiện tại đã có công cụ để quản lý.

Phân tích trên được đưa ra tại hội thảo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2019" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 26/12.

Cấm có giải quyết được gốc rễ vấn đề?

Một điểm đặc biệt của năm nay so với năm 2018 về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư.

Qua các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 8 vừa qua của Quốc hội thì việc có nên chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm như đề xuất của Chính phủ hay không vẫn còn ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì đây là vấn đề thị trường và cần quy định chặt chẽ hơn tránh vấn đề xã hội phát sinh. Đại biểu cho rằng cần bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ hơn, không thể theo kiểu không quản lý được thì cấm.

Nhưng, cũng có một số ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ, cấm dịch vụ "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này gây mất trật tự, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ luỵ.

Báo cáo của VCCI cũng nêu lý do để chuyển "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" từ ngành nghề kinh doanh có điều kiện thành ngành nghề cấm kinh doanh là do "trong thời gian qua, đã phát sinh tình trạng một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội.

Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, "tín dụng đen".

Nhóm nghiên cứu của VCCI phân tích, như vậy, lý do chủ yếu chuyển ngành nghề này là do sự vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Việc cấm kinh doanh một ngành nghề là biện pháp hạn chế tuyệt đối quyền kinh doanh, vì vậy giải trình cần phải hướng đến những tác động trực tiếp của hoạt động kinh doanh này tới trật tự công mà các điều kiện kinh doanh không thể kiểm soát hoặc hạn chế được. Lý giải trên dường như chưa hướng đến điều này do đó chưa thực sự thuyết phục.

Mặt khác, dịch vụ kinh doanh đòi nợ là hoạt động dịch vụ, của mối quan hệ tư, xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Nếu hoạt động này được thực hiện hiệu quả, theo đúng pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi về kinh doanh cho các đối tượng khác (có vốn để kinh doanh từ các khoản nợ đòi được). Các hoạt động đòi nợ vi phạm pháp luật trên thực tế thì dù có cấm hay không (đối với ngành nghề này) cũng sẽ xảy ra và pháp luật hiện tại đã có công cụ để quản lý, VCCI nêu quan điểm.

Đề cập quy định cấm này trong phần trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh rằng cấm là giải pháp rất nặng tay, nhưng liệu có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề hay không, hay là sẽ hạn chế những doanh nghiệp kinh doanh loại hình này muốn làm ăn đúng luật.

Kiến nghị rất nhiều vẫn chưa thoát điều kiện

Ngoài nội dung nói trên, Sửa Luật Đầu tư lần này, Chính phủ còn đề xuất bãi bỏ 12 ngành nghề, sửa đổi 19 ngành nghề, bổ sung thêm 6 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Việc sửa đổi, bổ sung danh mục lần này, theo VCCI sẽ là một bước tiến nữa trong hoạt động thúc đẩy quyền tự do kinh doanh khi đã giảm thêm số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong danh mục. Đồng nghĩa với việc một số lượng đáng kể điều kiện kinh doanh sẽ được bãi bỏ.

Tiêu chí rà soát bãi bỏ các ngành nghề kinh doanh trong danh mục, theo VCCI là được xác định rất rõ ràng và hợp lý. Gồm bốn tiêu chí:

1. Ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp tới các nội dung quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư);

2. Ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn;

3 Ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định;

4. Các sản phẩm, dịch vụ công ích có thể lựa chọn, kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Song, theo VCCI, nếu đối chiếu với tiêu chí rà soát nói trên thì vẫn còn một số ngành nghề đáng lẽ phải đưa ra khỏi danh mục nhưng không hiểu sao vẫn được giữ lại. Đây cũng là những ngành nghề mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều lần về việc đưa ra khỏi danh mục.

Ví dụ: phù họp với các tiêu chí 1 và 3 có kinh doanh dịch vụ kế toán, kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan, kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế , kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh. kinh doanh dịch vụ việc làm, kinh doanh dịch vụ lữ hành...

Mặc dù đã đưa ra những tiêu chí bãi bỏ, bổ sung phù hợp, nhưng các tiêu chí này vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, chính vì vậy kết quả rà soát vẫn chưa được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI bình luận.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên