VCSC: Chứng khoán Việt Nam đã hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn
Sau nửa đầu 2018, VN-Index giảm 2,4%, thấp nhất nhóm ASEAN 4, trong bối cảnh khối ngoại vẫn mua ròng 1,6 tỷ USD trên HOSE.
Theo báo cáo CTCK Bản Việt (VCSC) vừa công bố về thị trường chứng khoán tháng 6, VN-Index sau khi phục hồi 12,5% từ mức thấp nhất 5 tháng (932 điểm), đã giảm điểm trở lại vào nửa sau tháng 6.
Áp lực bán, giảm điểm xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, Fed quyết định nâng tốc độ tăng lãi suất từ 3 lần lên 4 lần trong năm nay. Thứ hai, Tổng thống Mỹ công bố áp thuế đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 6/7, khiến căng thẳng thương mại thế giới gia tăng. Thứ ba, đồng nhân dân tệ trượt giá 1,8% so với đồng USD sau khi Trung Quốc công bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tăng cung tiền, điều này tác động khiến tiền đồng trượt giá 1,1%. Yếu tố cuối cùng là hiệu ứng lan truyền khi dòng vốn thế giới chảy khỏi các thị trường mới nổi.
VN-Index khép lại tháng 6 ở mức 961 điểm, giảm 1,1% so với tháng trước, và 2,4% so với đầu năm. Tính từ mức đỉnh 1.204 điểm thiết lập đầu tháng 4, chỉ số sàn HOSE đã mất hơn 20%.
Ngoại trừ nhóm cổ phiếu bất động sản tăng 2,2% nhờ mã VIC và nhóm tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu đi ngang, các ngành còn lại đều giảm. Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính giảm mạnh nhất 8,3%.
Với diễn biến trên, P/E của VN-Index tới cuối tháng 6 ở mức 18 lần, cao hơn Thái Lan và Philippines, và thấp hơn Indonesia. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 133 tỷ USD.
Tuy xu hướng vốn ngoại chảy khỏi các thị trường mới nổi diễn ra mạnh, nhưng trong tháng 6 khối ngoại chỉ bán ròng 4,5 triệu USD tại thị trường Việt Nam, sau khi bơm ròng 1 tỷ USD trong tháng 5.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HOSE đạt 1,6 tỷ USD, trong khi tại các thị trường ASEAN khác, khối ngoại đã bán ròng, như SET (Thái Lan) với 5,6 tỷ USD, JCI (Indonesia) với 3,6 tỷ USD và PCOMP (Philippines) với 1,2 tỷ USD.
Thời gian tới, theo VCSC, các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ… sẽ có kết quả quý II tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư dường như bị ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát và quan trọng hơn là tỷ giá (tiền đồng trượt giá 1,1% so với USD) Những lo ngại chiến tranh thương mại dẫn đến khủng hoảng tại Trung Quốc và ảnh hưởng đến Việt Nam, có thể khiến tiền đồng tiếp tục trượt giá.
VCSC cho rằng các lo ngại có phần thái quá. CTCK này không dự đoán khi nào thị trường chấm dứt đợt giảm điểm nhưng cho rằng định giá đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn.