VDSC: "FED cắt giảm chương trình mua tài sản không ảnh hưởng lớn tới chứng khoán Việt Nam, VN-Index có thể lên mốc 1.380 điểm trong tháng 10"
Theo VDSC, việc FED cắt giảm quy mô kích thích kinh tế không quá đáng ngại với Việt Nam khi dự trữ ngoại hối của chúng ta khá dồi dào với 100 tỷ USD giúp cho khả năng điều tiết tỷ giá linh hoạt hơn. Do đó, tác động đến VN-Index sẽ không quá lớn trên góc nhìn vĩ mô.
Trong báo cáo chiến lược mới được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong tháng 10 với tâm điểm mùa báo cáo KQKD quý 3, sẽ là thời gian để thị trường thực sự đo lường mức độ tiêu cực của đại dịch đến KQKD của các doanh nghiệp.
VDSC cho rằng KQKD quý 3 sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành. Dù vậy, ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tác động đến thị trường, như bất động sản và ngân hàng (chiếm gần 54% giá trị vốn hóa thị trường), thì triển vọng kinh doanh quý 3 không thực sự khả quan.
Cụ thể, quý 3 thường là quý thấp điểm ghi nhận KQKD đối với ngành BĐS. Đồng thời, do giãn cách kéo dài ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động bán hàng và tiến độ xây dựng bị trì hoãn tại các khu vực trọng điểm như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, vốn có thể ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao và ghi nhận lợi nhuận trong tương lai.
Ở nhóm ngành ngân hàng, VDSC ước tính lợi nhuận trong quý 3 có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý 2/2021. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn.
VDSC kỳ vọng nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành Ngân hàng tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm và ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng, tuy nhiên nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành và đồng thời cũng có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng. Điều này có thể được nhận thấy thông qua mức độ giảm giá của các ngân hàng thời gian qua, nếu điều chỉnh thêm cho các yếu tố câu chuyện riêng biệt. VDSC đánh giá điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý 4, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập trong quý 3 tùy tình hình và năng lực tài chính của riêng từng ngân hàng.
Tác động của chính sách cắt giảm mua tài sản của FED không lớn tới chứng khoán Việt Nam
Trong 3 tháng cuối năm 2021, VDSC cho rằng chính sách cắt giảm chương trình mua tài sản của Mỹ do chính sách nới lỏng tiền tệ của họ có thể tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Đối với chính sách cắt giảm mua tài sản, trước đây hành động này đã gây ra sự điều chỉnh mạnh đối với các thị trường chứng khoán mới nổi vào năm 2013 khi Fed thông báo giảm mua tài sản hàng tháng từ 85 tỷ USD xuống còn 65 tỷ USD. Các quốc gia vay nợ ngoại tệ lớn và có dự trữ ngoại hối thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc mất giá đồng tiền cùng với sự đảo chiều của dòng vốn ngoại.
Dù vậy theo VDSC, tình hình Việt Nam hiện tại không quá đáng ngại khi dự trữ ngoại hối của chúng ta khá dồi dào với 100 tỷ USD giúp cho khả năng điều tiết tỷ giá linh hoạt hơn. Do đó, tác động đến VN-Index sẽ không quá lớn trên góc nhìn vĩ mô.
Tuy nhiên, biến động ngắn hạn là khó lường với rủi ro biến động chung của thị trường chứng khoán toàn cầu khi Fed có thể bắt đầu chính sách cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 11. VDSC dự đoán VN0Index sẽ dao động trong khoảng 1.240 - 1.380 điểm.