VDSC: “VN-Index khó vượt mốc 1.000 điểm trong năm 2019, giữ quan điểm lạc quan với cổ phiếu khu công nghiệp, logistic”
VDSC cho rằng khả năng VN-Index chinh phục thành công mức 1.000 điểm trong năm 2019 là không cao. Thay vào đó, chỉ số VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng P/E 16,7 lần.
CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường trong giai đoạn cuối năm 2019 với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo báo cáo VDSC, trong khi lạm phát chung vẫn duy trì ở mức thấp, lạm phát lõi (lạm phát chung sau khi loại trừ tác động của một số mặt hàng chịu sự kiểm soát của Nhà nước) thực tế đã tiệm cận ngưỡng 2%, mức mục tiêu của Chính phủ. Do vậy, VDSC đánh giá xác suất mở rộng cung tiền trong nửa cuối năm là rất thấp. Với sự hạn hẹp của dòng tiền, khả năng bứt phá mạnh của VN-Index là khó xảy ra.
Trong bối cảnh đó, chính sách thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng như các lĩnh vực kinh doanh có nhu cần vốn dài hạn khiến kênh trái phiếu doanh nghiệp, với mức lãi suất dao động 11 – 14,5%, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn so với cổ phiếu. Rủi ro ngoại tác theo vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung đồng thời khiến vàng trở thành kênh trú ẩn đối với những nhà đầu tư thận trọng. Do vậy, VDSC cho rằng thanh khoản trên thị trường cổ phiếu khó có thể quay lại mức cao như giai đoạn cuối năm 2017 – đầu năm 2018.
Kỳ vọng vấn đề giới hạn sở hữu đối với NĐT nước ngoài sẽ được giải tỏa một phần với sự ra đời của bộ chỉ số VN-Diamond
Theo thông tin (chưa chính thức), SGDCK Hồ Chí Minh đang xây dựng bộ chỉ số VN-Diamond, bao gồm các cổ phiếu không còn tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài. Theo tìm hiểu, các cổ phiếu được xem xét là những cổ phiếu có vốn hóa lớn và đáp ứng yêu cầu nhất định về mặt thanh khoản.
VDSC cho rằng khi các quỹ chỉ số này vận hành sẽ là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho thị trường khi mà khả năng phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR) khó có thể hiện thực hóa trước năm 2021.
Tuy nhiên, VDSC cũng cho rằng quy mô của các ETFs mô phỏng hai chỉ số này mới là điều quan trọng nhất. Quy mô của các ETFs có thể sẽ không lớn trong thời gian đầu, giống như quỹ VFMVN30 ETF, bởi vì các rủi ro bên ngoài vẫn còn cao. Ngay cả VFMVN30 ETF gần đây cũng đang bị rút ròng do sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự dảo ngược lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm.
Động lực thoái vốn sẽ trở lại vào năm 2020?
Tính đến quý 2/2019, chỉ tiêu thoái vốn nhà nước mới chỉ đạt 20% kế hoạch số lượng doanh nghiệp phải thoái vốn.
Mặc dù vậy, nhờ thương vụ Sabeco, tổng số tiền thu được đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Số tiền này đáp ứng khoảng 88% tổng số tiền thu từ thoái vốn phục vụ chi đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020. Do vậy, có thể thấy động lực đẩy mạnh thoái vốn trong nửa cuối năm 2019 là không lớn.
Thay vào đó, áp lực hoàn thành kế hoạch sẽ rơi vào 2020, và một vài thương vụ lớn có thể diễn ra. Một số tên tuổi lớn đáng chú ý là Mobifone, Vinacafe, VNPT, VEA, PLX, v.v...
Sự hạn hẹp của dòng tiền và rủi ro từ bên ngoài khiến TTCK đối diện nhiều thách thức trong ngắn hạn
VDSC cho rằng khả năng VN-Index chinh phục thành công mức 1.000 điểm trong năm 2019 là không cao. Thay vào đó, chỉ số VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng P/E 16,7 lần.
Đảm bảo kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định vẫn đang là quyết sách được Chính phủ theo đuổi và ghi nhận thành công. Bất chấp bức tranh thương mại toàn cầu còn nhiều biến động, môi trường vĩ mô trong nước vẫn đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hoạt động. Do vậy, VDSC cho rằng sự chững lại trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội để NĐT quan sát, tìm hiểu, và tích lũy cổ phiếu thuộc các nhóm ngành không phụ thuộc vào biến động bất thường của thương mại toàn cầu.
Theo VDSC, bức tranh thương mại toàn cầu trở nên u ám sau khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ- Trung leo thang. Bên cạnh nhân tố tích cực, các ngành hàng liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Những ngành liên quan tới xuất khẩu không chỉ được hưởng lợi mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
VDSC đánh giá quan điểm trung lập (so với quan điểm tích cực hồi đầu năm) đối với các ngành thuỷ sản, dệt may và dầu khí. Trong khi đó, làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới các nước châu Á khác đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, VDSC đưa ra quan điểm lạc quan trong ngắn và trung hạn đối với các nhóm ngành kho vận, vận tải/cảng biển và khu công nghiệp.