Về hưu non để “chạy” chính sách
Từ năm 2016, chính sách nghỉ hưu bắt đầu thay đổi và từ năm 2018 mức hưởng lương hưu cũng được tính toán lại. Điều này khiến nhiều người lao động tìm cách về hưu trước tuổi nhằm chạy trước những thay đổi của chính sách bảo hiểm xã hội.
- 07-04-2017Tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo tính cân đối của Quỹ Bảo hiểm xã hội?
- 13-03-2017Ông Bùi Sĩ Lợi: Đã đến lúc tăng tuổi nghỉ hưu
- 09-03-2017Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho Quỹ Hưu trí
- 28-02-2017Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp phục viên, nghỉ hưu
Tăng điều kiện, giảm mức hưởng
Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2018 sẽ thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm (%) hưởng lương hưu, theo hướng tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%. Theo đó, để được hưởng lương hưu mức tối đa, nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH, nam phải đủ 35 năm, thay cho mốc 25 năm với nữ và 30 năm với nam hiện nay.
Theo Điều 56, Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2018, đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức lương tính đóng BHXH. Từ năm 2016 trở đi, mỗi năm cộng thêm 2%. Như vậy, lao động nữ phải mất 30 năm đóng BHXH (thay vì 25 năm như luật hiện nay) để được hưởng lương hưu mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH. Với nam, từ năm 2018, phải đóng 16 năm mới được hưởng lương hưu bằng 45% lương tính đóng BHXH và tăng dần từng năm (từ năm 2019 là 17 năm; 2020 là 18 năm; 2021 là 19 năm, năm 2022 là 20 năm). Như vậy, từ năm 2022, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay) mới được hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH. Với thay đổi này, NLĐ đóng không đủ năm sẽ phải tham gia đóng BHXH 1 lần cho những năm còn thiếu, hoặc chấp nhận hưởng mức lương hưu thấp.
Ngoài ra, Luật BHXH 2014 cũng thay đổi độ tuổi nghỉ hưu trước tổi do suy giảm khả năng lao động (về hưu non). Theo đó, từ 1/1/2016, để được về hưu non, NLĐ phải đủ 46 tuổi với nữ, 51 tuổi với nam, và mất sức lao động 61% trở lên (thay cho mức nữ 45 tuổi, nam 50 tuổi trước đó). Sau đó tới năm 2020, nữ phải đủ 50 tuổi và nam đủ 55 tuổi, mất sức lao động 61% mới được nghỉ hưu non. Riêng trường hợp mất sức lao động từ 81% trở lên vẫn được nghỉ hưu non ở mức 45 tuổi với nữ và 50 tuổi với nam.
Những thay đổi trên về chính sách lương hưu BHXH đang khiến NLĐ băn khoăn, lo lắng bị giảm lương hưu, đặc biệt với lao động nữ. Cùng với đó, điều kiện để được về hưu trước tuổi cũng khó khăn hơn.
Vì vậy, từ năm 2015 tới nay (trước thời điểm những quy định trên có hiệu lực), đang có hiện tượng NLĐ “chạy” về hưu non để được nghỉ hưu sớm hơn, điều kiện dễ hơn, mức lương hưu cũng cao hơn.
Về hưu non tăng đột biến
Theo tiết lộ của Trung tâm Giám định Y khoa một tỉnh phía Bắc, năm 2014, tỉnh này có 740 trường hợp giám định y khoa để làm thủ tục về hưu non (trong đó chỉ có 1 trường hợp mất sức 81%, số còn lại được xác định mất sức từ 61%). Năm 2015, tăng đột biến lên 1.300 trường hợp (có 8 trường hợp mất sức trên 81%, còn lại từ 61%). Năm 2016, có 300 trường hợp (nhưng có 40 trường hợp mất sức từ 81%).
Theo vị giám đốc trung tâm trên, năm 2015, tỷ lệ giám định sức khỏe để về hưu trước tuổi tăng đột biến, do đây là thời điểm trước khi chính sách thay đổi, tuổi nghỉ hưu non còn thấp, và mức lương hưu vẫn cao. Nhưng từ năm 2016, tuổi nghỉ hưu non tăng thêm 1 tuổi, nhiều người đã xin về hưu trước đó, nên số người làm thủ tục về hưu non giảm. Tuy nhiên, người mất sức từ 81% trở lên lại tăng mạnh, vì độ tuổi để về hưu non với đối tượng này không thay đổi (nữ 45 tuổi, nam 50 tuổi). Cùng với thay đổi mức hưởng lương hưu tối đa từ năm 2018, theo vị giám đốc này, chắc chắn số người làm giám định y khoa để về hưu non sẽ còn giảm nữa, vì về hưu sớm khi chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa mức lương hưu sẽ không cao.
“Những người đến thời điểm này nghỉ hưu đa phần đều sinh ra, lớn lên trong điều kiện kinh tế khó khăn, sống và làm việc kham khổ. Nên đa số người 45-50 tuổi đã mắc nhiều bệnh, như mắt kém, thoái hóa cột sống, đau xương khớp… đủ điều kiện mất sức lao động 61%. Nhưng để được mất sức lao động từ 81% khó hơn nhiều, vì phải có lịch sử bệnh án rất nặng, hoặc tai nạn lao động”, vị Giám đốc Trung tâm Y khoa nói. Theo ông, NLĐ làm thủ tục về hưu non chủ yếu là nữ, làm việc trong những lĩnh vực doanh nghiệp sản xuất, như may mặc, giày da, thủy sản, hàng tiêu dùng, xây dựng… Còn NLĐ làm việc trong khu vực nhà nước, hành chính thì những năm sắp về hưu thường giữ vị trí lãnh đạo, hệ số lương cao, ít suy giảm sức khỏe nên người xin về hưu non ít.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đang có tình trạng NLĐ làm thủ tục giám định mất sức để nghỉ hưu trước năm 2018, nhằm tránh những thay đổi trong chính sách hưu trí. Tuy vậy, ông Lợi lưu ý, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với người nghỉ hưu sau đó, dù luật thay đổi. Do từ năm 2016, mức lương tính đóng BHXH sẽ cao hơn, chưa kể nghỉ hưu sớm sẽ bị giảm mức hưởng lương hưu theo số năm nghỉ trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu non bị trừ 2%).
Để ngăn chặn tình trạng trên, theo ông Lợi, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan BHXH cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật BHXH cho người dân. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH. Đồng thời, Hội đồng Giám định Y khoa các địa phương cũng phải trách nhiệm hơn, thực hiện đúng các quy định về điều kiện mất sức lao động.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tuổi nghỉ hưu bình quân của Việt Nam hiện nay chỉ 54,2 tuổi, trong đó nữ chỉ 52,6, nam 55,6 (trong khi quy định tuổi hưu của Bộ luật Lao động với nữ là 55 tuổi, nam 60 tuổi). Thời gian hưởng lương hưu khoảng 20 năm, trong khi số tiền đóng góp chỉ đủ chi trả trong khoảng 10 năm (số năm còn thiếu ngân sách nhà nước phải đảm bảo). Ngoài ra, năm 1996, tỷ lệ người đóng BHXH cho 1 người hưởng là 217 người đóng/1 người hưởng; mức này giảm xuống còn 34/1 vào năm 2000, và năm 2015 chỉ còn 8,5/1.
Tiền Phong