Vé máy bay Tết khan hiếm, khách phải bay đường vòng về quê ăn Tết
Dù hàng không liên tục tăng chuyến dịp Tết Nguyên đán 2024 nhưng nhiều chặng vẫn thiếu vé vào khung giờ cao điểm, nhiều khách phải chọn phương án bay đường vòng.
- 16-01-2024"Cháy" vé máy bay Tết
- 14-01-2024Các hãng bay tăng chuyến dịp cuối năm, giá vé máy bay Tết vẫn cao chót vót
- 12-01-2024Giá vé máy bay tăng cao dịp Tết
Thông tin với VTC News, anh Lưu Tuấn Quang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, gia đình anh định trong các ngày từ 2 - 15/2 (tức 24/12 - 6/1 âm lịch) sẽ bay về Nghệ An đón Tết cùng gia đình và người thân. Dù đã cố tránh ngày cao điểm nhất là sát Tết nhưng anh Quang vẫn chưa thể mua được vé máy bay vì quá hiếm và quá đắt.
“Cả tuần nay, tôi liên tục canh vé trên trang web của các hãng và nhờ cả đại lý vé tìm giúp nhưng rất khó mua. Vietjet, Bamboo liên tục "cháy vé" mấy ngày liền, Vietnam Airlines chỉ còn vé thương gia 6,1 triệu đồng/vé/lượt. Cùng thời điểm này năm ngoái, chặng bay này rơi vào 2,5 - 3 triệu đồng/vé ngày Tết, ngày thường chỉ 1,5 triệu đồng/vé", anh Quang nói.
Lựa chọn bay về Vinh không khả khi, anh Quang đành phải chọn bay xa hơn là TP.HCM - Hà Nội do chặng này nhiều chuyến.
Cũng chấp nhận phải bay vòng ra Hà Nội thay cho chuyến bay TP.HCM - Thanh Hóa vì canh mua vé mãi nhưng không được, anh Phạm Văn Trường cho biết, giá vé các chặng bay về miền Trung cao và số lượng chuyến bay không nhiều nên việc mua vé của nhiều gia đình khá căng thẳng, muốn có được vé thì đành phải chấp nhận bay vòng, sau đó lại tìm phương tiện khác để tiếp tục hành trình.
Theo anh Trường, đây là phương án phù hợp tại thời điểm vé máy bay Tết khan hiếm và đắt đỏ.
Theo thống kê của Cục Hàng không, các chặng bay có lượng khách đông nhất dịp sát Tết Nguyên đán là từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Các chặng bay khan vé sau Tết là từ Hà Nội đi các tỉnh, thành và miền Trung về TP.HCM.
Đến thời điểm này, chặng bay TP.HCM đi Pleiku (Gia Lai), Quy Nhơn (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế, Tuy Hòa (Phú Yên), Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An) đã rất khan vé, nhiều chặng tỷ lệ đặt vé lên đến hơn 100%.
Liên tục tăng chuyến, giá vé máy bay vẫn "chát"
Trước việc khan hiếm vé ở một số chặng bay, ngày 20/1, Cục Hàng không đã tiếp tục tăng thêm 48 slot cho các hãng bay, tương đương 48 chuyến, khoảng 10.000 ghế/ngày để bổ sung cho các đường bay.
Trong đó, ưu tiên bổ sung các đường bay từ TP.HCM đi Pleiku (Gia Lai), Quy Nhơn (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế (Thừa Thiên-Huế), Tuy Hòa (Phú Yên), Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An).
Dù liên tục tăng chuyến nhưng do nhu cầu đi lại tăng cao nên nhiều chặng bay vẫn xảy ra tình trạng thiếu vé và giá đều ở mức rất cao.
Theo khảo sát ngày 22/1, giá vé từ TP.HCM đi Hà Nội của Vietnam Airlines trong các ngày từ 23 - 29 Tết thấp nhất là 3,5 - 5,3 triệu đồng/vé/chiều hạng phổ thông, cao nhất lên tới 9,5 triệu đồng/vé/chiều hạng thương gia.
Với Vietjet, cùng chặng bay tương tự, giá vé "mềm" hơn nhưng cũng khoảng 3,6 - 4,5 triệu đồng/vé/chiều.
Nhiều chặng bay như TP.HCM - Quy Nhơn (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế (Thừa Thiên - Huế), Tuy Hòa (Phú Yên), Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An) tiếp tục ít vé, thậm chí chặng TP.HCM - Thanh Hóa, TP.HCM - Vinh đã hết vé.
Giá vé tàu Tết gần bằng vé máy bay
Trả lời VTC News sáng 22/1, bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tính đến ngày 22/1, Đường sắt khu vực Hà Nội đã 3 lần tăng chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán (trước Tết 15 ngày và sau Tết 15 ngày) với 322 chuyến tàu Thống Nhất và 224 chuyến tàu địa phương.
Cụ thể, số lượng vé tàu Thống Nhất dịp tết 2024 cung ứng của Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội trên 160.000 vé cả hai chiều. Với các tàu khu đoạn (tàu địa phương tuyến ngắn), công ty cung cấp khoảng 10.000 vé/ngày cho các tuyến Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An). Ngoài ra, các ngày sát tết sẽ tăng cường các toa tàu Thống Nhất để chạy tàu ngắn, cung cấp khoảng 16.000 vé các tuyến. Trong ngày cao điểm, công ty chạy 13 chuyến tàu Thống Nhất/ngày và 18 chuyến tàu địa phương/ngày.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp lượng vé đã bán ra để có thể tiếp tục điều chỉnh tăng chuyến, nối toa để tăng số lượng ghế phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” , bà Đào nói.
Tính đến ngày 22/1 công ty đã bán được hơn 180.000 vé tàu Thống Nhất (tương đương 57% số lượng vé cung cấp). Hành khách chủ yếu mua vé chiều từ miền Nam ra từ ngày 23 - 28 tháng Chạp và sau Tết với tàu từ miền Bắc vào.
Đáng chú ý, dù số lượng vé cung ứng khá nhiều, người dân không gặp khó khăn khi phải mua vé tàu tết nhưng giá vé lại cao. So với tết 2023, vé tàu năm nay cao hơn từ 5 - 10%, tùy từng loại chỗ. Trong đó, chặng TP.HCM - Hà Nội trước Tết cao nhất tới 2,9 triệu đồng/chiều với loại vé giường nằm khoang 4 giường.
So với giá vé máy bay nếu mua sớm được giá rẻ thì vé tàu thậm chí còn cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên do vé tàu có nhiều loại nên nếu gia đình 4 người đi khoang 4 giường nằm từ TP.HCM ra Hà Nội, chỉ cần mua 2 vé cho bố mẹ, còn 2 con có thể mua ghế phụ hoặc ghế ngồi cứng (giá vé khoảng 600.000 - 700.000 đồng/trẻ em) và nằm cùng giường bố mẹ để tiết kiệm. Rất nhiều hành khách lựa chọn hình thức này để tiết kiệm do mức giá trung bình chia cho 4 người giảm đi khá nhiều, còn 1,5 - 1,8 triệu đồng/vé/người.
Ngành Đường sắt cũng đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá để hỗ trợ hành khách đi tàu; đồng thời khuyến cáo người dân không mua vé qua các đối tượng trung gian “cò mồi, chợ đen”.
VTC