MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vé xe tết bắt đầu… nhảy múa

12-12-2016 - 08:24 AM | Thị trường

Vé xe tết về các tỉnh miền Trung tăng từ 20%, 40% thậm chí 60% so với ngày thường.

Đến cuối chiều qua (11-12), 13/217 hãng xe đò hoạt động tại Bến xe Miền Đông đã thông báo tăng giá vé đi dịp tết Đinh Dậu trên các tuyến từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi trở vào với mức tăng từ 20%, 40% đến 60% so với ngày thường. Riêng các tuyến đi phía Bắc chưa có thông báo tăng giá.

“Thống nhất cao” tăng giá

Nhìn qua bảng niêm yết giá vé trước các quầy cho thấy các hãng có sự “thống nhất cao” về các thời điểm, khoảng thời gian tăng và ba mức tăng giá 20%, 40% và 60%. Cụ thể, từ ngày 12 đến 16 tháng Chạp tăng 20%; từ ngày 17 đến 20 tháng Chạp tăng 40% và từ ngày 21 đến 29 tháng Chạp tăng 60%.

Tại Bến xe Miền Đông, theo bảng niêm yết của hãng Chín Nghĩa, chuyên chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi, giá vé xe giường nằm ngày thường có bao ăn là 380.000 đồng/vé. Vào ba thời điểm nêu trên, mức vé xe giường nằm có bao ăn của Chín Nghĩa lần lượt là 456.000, 532.000 và 608.000 đồng/vé.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Hồng Phong đến mua vé giường nằm đi Quảng Ngãi từ sau ngày 23 tháng Chạp của hãng xe này thì nhân viên bán vé nói chỉ còn ghế ngồi. “Anh muốn đi giường nằm thì về đường Tân Thành (quận Tân Phú) có xe của hãng, may ra còn” - cô này nói.

Anh Phong cho biết đã đến địa điểm này hỏi rồi và được báo giá vé xe giường nằm theo dạng hợp đồng về Quảng Ngãi phải trên 1 triệu đồng song chưa chắc mua được.

“Bên xe lửa tăng giá vé lên 9,5% và thời điểm tăng từ ngày 20 đến 28 tháng Chạp. Còn bên hàng không cũng chỉ tăng 10 ngày trước tết với mức tăng 20%-30% so với ngày thường. Vậy mà các nhà xe ở Bến xe Miền Đông bắt đầu tăng giá vé từ ngày 12 tháng Chạp và mức tăng 20%-60% là sao?” - ông Hoàng Đức Long, tết nào cũng về quê ở Quảng Ngãi, bức xúc.

Hành khách mua vé xe đi tết Đinh Dậu tại Bến xe Miền Đông ngày 11-12. Ảnh: LĐ
Hành khách mua vé xe đi tết Đinh Dậu tại Bến xe Miền Đông ngày 11-12. Ảnh: LĐ

Giá vé cao nhưng không xử được

Theo Thanh tra Sở GTVT, ngoài chạy xe trong Bến xe Miền Đông, hãng xe Chín Nghĩa còn có văn phòng giao dịch, điểm đón, trả khách tại 51A Tân Thành (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú). Phần mặt đường ở khu vực nhỏ, hẹp và mật độ lưu thông cao, ô tô khách ra vào gây cản trở, không đảm bảo an toàn giao thông. UBND phường Hòa Thạnh cũng cho rằng điểm đón, trả khách này không đảm bảo an ninh trật tự.

“Hãng xe Chín Nghĩa thường chạy xe vào trong nhà để lên, xuống khách nên chúng tôi không thể vào để kiểm tra xem họ chạy xe theo hợp đồng hay theo tuyến cố định liên tỉnh. Hành khách còn phản ánh giá vé cao hơn ngoài bến song Thanh tra GTVT cũng không có thẩm quyền xử lý” - một cán bộ Thanh tra Sở GTVT nói.

Theo Thanh tra Sở GTVT, hiện ở khu vực quận 1, 5, 10, Tân Phú, Tân Bình và Bình Thạnh… có 85 điểm đón, trả khách đi xe hợp đồng, du lịch. Phần lớn các hãng chạy xe từ Bến xe Miền Đông đều có mặt ở các điểm trên và phương thức hoạt động của họ giống như hãng Chín Nghĩa. “Các hãng chỉ để vài ba xe chạy từ bến còn hầu hết đem xe ra chạy ở 85 điểm đó nên việc họ “múa” giá xe thì chúng tôi không kiểm soát được” - một vị lãnh đạo Bến xe Miền Đông nói.

Vị này nói thêm giá vé xe đò không phải là đối tượng được các cơ quan quản lý xây dựng, ấn định. Theo Thông tư liên tịch 152/2014 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT, các hãng xe khách liên tỉnh được tự quyết định giá vé và chỉ làm kê khai (hoặc kê khai lại) với Sở Tài chính (hoặc Sở GTVT, tùy theo phân công của UBND cấp tỉnh) là được tăng giá vé. Chỉ trong trường hợp Chính phủ có chỉ đạo về bình ổn giá (như hồi giá xăng dầu cuối năm 2015 giảm liên tục) thì Sở Tài chính và Sở GTVT mới yêu cầu các hãng xe kê khai lại với sự giải trình rõ ràng, hợp lý về cơ cấu giá. Tuy nhiên, việc tìm sự bất hợp lý và đề nghị nhà xe giảm giá vé là gần như chưa từng xảy ra.

Chính vì việc giá do hãng xe tự xây dựng cao hay thấp theo cơ chế thị trường nên vào các đợt cao điểm thì giá vé thi nhau… nhảy múa.

Bến xe cũng tăng 30%

Theo Bến xe Miền Đông, vào ba điểm giao thời tăng giá vé (thường được gọi là phụ thu chiều chạy rỗng) có thể các xe trên tuyến sẽ không hoạt động, để chạy vào ngày hôm sau có mức giá cao hơn. Trong khi đó, có một bộ phận hành khách sẽ tập trung đi vào lúc giao thời nhằm né vé giá cao nên tại bến có thể thiếu xe, ứ đọng khách cục bộ.

Do vậy vào ba thời điểm giao thời trên bến xe đề nghị được phụ thu 30% giá vé để điều động mới được xe trái tuyến, xe hợp đồng, xe buýt tăng cường để giải tỏa khách.

_______________________________

260.000 là lượng vé xe lửa từ Ga Sài Gòn đi đến tất cả ga trên tuyến đường sắt Bắc-Nam vào thời gian trước tết từ ngày 17-1-2017 đến ngày 26-1-2017 (nhằm ngày 20 đến 29 âm lịch).

Theo Lưu Đức - Hoàng Tuyên

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên