VEC “đòi” loạt cơ chế để bán quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc kiến nghị Thủ tướng một loạt cơ chế liên quan đến việc nhượng quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...
- 06-06-2016Chưa tăng phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
- 29-04-2016Bác đề xuất tăng phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
- 03-03-2016Đề xuất bỏ một trạm thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới đây có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
VEC tính toán giá trị nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thời hạn 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư là 14% và lãi vay ngân hàng 8,5%. Giá trị VEC nhận được từ nhượng quyền ước tính khoảng 9.171 tỷ đồng.
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC, cho hay, việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc là đặc thù, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Mục đích của nhượng quyền thu phí tuyến cao tốc nay là huy động vốn đầu tư cao tốc trong bối cảnh nợ công tăng cao, huy động vốn gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đó, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc.
“Chính phủ cần cho phép VEC được lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để cùng VEC xây dựng đề án nhượng quyền chi tiết và VEC được góp vào vốn doanh nghiệp dự án để cùng nhà đầu tư chiến lược vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc”, ông Mai Tuấn Anh đề xuất.
VEC cũng kiến nghị phần vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình theo Quyết định 2072 ngày 8/11/2013 được chuyển thành vốn điều lệ như được nêu tại Quyết định 2393 ngày 30/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cho phép VEC chưa hoàn lại số tiền VAT đã tạm ứng cho dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Hợp đồng dự án được ký giữa 3 bên gồm Chính phủ, VEC và nhà đầu tư, trong đó, Chính phủ và VEC giữ vai trò là bên nhượng quyền, nhà đầu tư giữ vai trò là bên nhận nhượng quyền.
Bên cạnh đó, VEC kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương về cơ chế chia sẻ rủi ro đối với nhà đầu tư, gồm: Bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh tỷ giá hối đoái.
Cụ thể, đối với bảo lãnh doanh thu, khi doanh thu giảm dưới mức nhất định so với giá trị tính toán (dự kiến 20%), Nhà nước sẽ hỗ trợ để đảm bảo doanh thu tối thiểu là 80%.
VEC cũng khiến nghị Chính phủ bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ và chuyển lợi nhuận của nhà đầu tư ra nước ngoài.
Liên quan đến bảo lãnh về tỷ giá hối đoái, VEC đề xuất áp dụng hai cách thức.
Thứ nhất, Chính phủ cung cấp bảo lãnh tỷ giá khi có biến động tỷ giá ngoài biên độ từ 1 - 2%.
Thứ hai, Chính phủ cho phép doanh nghiệp dự án đưa giá trị biến động tỷ giá hàng năm vào mức phí của phương tiện tham gia giao thông ngoài mức tăng phí cơ bản 5%/năm trên cơ sở chỉ số CPI.
Tổng giám đốc VEC cũng tiết lộ, đến thời điểm này, Tập đoàn VINCI Concessions (Pháp) là đối tác đã hỗ trợ VEC trong quá trình nghiên cứu, đồng thời là đơn vị đầu tiên quan tâm tìm hiểu việc chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) có chiều dài 50km đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Dự án được khởi công tháng 1/2006 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 6/2012 với tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng.
Vneconomy