Venezuela tịch thu nhà máy sản xuất giấy toilet của Mỹ
Chính phủ Venezuela nói nhà máy này cần phải được mở cửa trở lại “trong bàn tay của những người công nhân”...
- 06-07-2016Venezuela: Siêu thị trống, giấy vệ sinh giá 30 USD một cuộn
- 02-07-2016Khổ như đi siêu thị ở Venezuela
- 27-06-2016"Quả bom” Venezuela trực chờ phát nổ
Chính phủ Venezuela tuyên bố đã tịch thu một nhà máy thuộc sở hữu của công ty Mỹ có tên Kimberly-Clark, hãng BBC đưa tin.
Trước đó, công ty Mỹ này tuyên bố tạm dừng hoạt động ở Venezuela do không thể thu mua được nguyên liệu đầu vào.
Bộ Lao động Venezuela ngày 11/7 nói việc nhà máy của Kimberly-Clark đóng cửa là bất hợp pháp và cần phải được mở cửa trở lại “trong bàn tay của những người công nhân”.
Kimberly-Clark, công ty chuyên sản xuất những sản phẩm vệ sinh như giấy ăn, giấy toilet và tã bỉm, nói công ty đã hành động phù hợp.
Vào cuối tuần vừa rồi, công ty này gia nhập danh sách các công ty đa quốc gia đóng cửa hoặc giảm hoạt động ở Venezuela do tình trạng kiểm soát tiền tệ ngặt nghèo, thiếu nguyên liệu đầu vào và lạm phát cao chóng mặt ở quốc gia Nam Mỹ này.
Trước Kimberly-Clark, nhiều công ty Mỹ như General Mills, Procter & Gamble… đã giảm hoạt động ở Venezuela, giữa lúc nước này chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và người dân đối mặt với sự khan hiếm nghiêm trọng các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, như bỉm và sữa bột trẻ em, giấy toilet, dầu ăn, gạo, bột mì…
Bộ trưởng Bộ Lao động Venezuela, ông Oswaldo Vera, một người thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa (PSUV) cầm quyền, đã tới thăm nhà máy bị đóng cửa của Kimberly-Clark ở Maracay và nói việc đóng cửa nhà máy này là bất hợp pháp.
Ông Vera nói khoảng 1.000 công nhân đã đề nghị ông mở cửa nhà máy trở lại. “Kimberly-Clark sẽ tiếp tục hoạt động, và giờ là trong tay của những người công nhân. Chúng tôi vừa khởi động động cơ đầu tiên”, vị Bộ trưởng tuyên bố.
Trong một tuyên bố, Kimberly-Clark, công ty có trụ sở ở Texas, Mỹ, nói: “Nếu Chính phủ Venezuela giành quyền kiểm soát các cơ sở và hoạt động của Kimberly-Clark, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của công nhân và tài sản, trang thiết bị và máy móc tại các cơ sở này trong thời gian tới”.
Các cuộc biểu tình của người dân Venezuela phản đối tình trạng thiếu thốn hàng hóa đang diễn ra “như cơm bữa” ở nước này.
Phe đối lập đổ lỗi cho Tổng thống Nicolas Maduro đã phá hỏng nền kinh tế của đất nước nhiều dầu lửa, đồng thời tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm lật đổ ông Maduro.
Trước đây, ông Maduro từng đe dọa sẽ bỏ tù chủ sở hữu của các nhà máy nếu họ dừng sản xuất.
Mấy năm gần đây, một chuỗi siêu thị tư nhân và một cửa hàng điện tử ở Venezuela đã bị Chính phủ nước này tịch thu sau khi ông Maduro cáo buộc nhiều doanh nhân thông đồng với phe đối lập để tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế.
VnEconomy