VFM kiến nghị đổi tên "Luật Chứng khoán" thành "Luật Chứng khoán và Phái sinh"
"Theo kê khai thì những người mà không có nhu cầu giao dịch cổ phiếu thì quá phiền, anh chị em con cháu mỗi người một nơi, thực tế rất khó khăn để tổng hợp. Còn mục đích để ngăn chặn rủi ro nội gián thì cũng không cần thiết quy định như thế này", một cá nhân cho biết.
Tham luận với Luật Chứng khoán sửa đổi, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) kiến nghị nên điều chỉnh tên "Luật Chứng khoán" thành "Luật Chứng khoán và Phái sinh", bởi VFM nhận thấy thị trường phái sinh đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư. Chứng khoán và phái sinh là 2 tài sản tài chính có liên quan đến nhau. Chủ thể tham gia vào 2 thị trường giao dịch này gần như giống nhau.
Mặt khác, các nước trong khu vực như Singapore, Hongkong đã ban hành Luật Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai (Securities and Future Act) để quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán và phái sinh. Tại Việt Nam, UBCKNN vẫn là cơ quan giám sát chính thị trường phái sinh.
Với những luận điểm trên, VFM kiến nghị sửa tên "Luật Chứng khoán" là "Luật Chứng khoán và Phái sinh", và bổ sung thêm các quy định liên quan đến phái sinh.
Cùng với đó, liên quan đến định nghĩa "Người có liên quan", VFM cho rằng "Người có liên quan" chỉ nên bao gồm các chủ thể mà việc sở hữu hoặc giao dịch của các chủ thể này có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Tức, quy định trong dự thảo hiện quá rộng, sẽ gây gánh nặng về công bố thông tin và ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư, cũng như gây khó khăn trong việc hiểu và xác định đối tượng "Người có liên quan" trong thực tế.
Do đó, VFM đề nghị điều chỉnh chi tiết như sau:
"Người có liên quan là cá nhân hoặc tổ chức có quan hệ với nhau trong các trường hợp sau đây:
(a) Cá nhân và cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của cá nhân này;
(b) Doanh nghiệp và người sở hữu trên 10% số cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết hoặc vốn góp của doanh nghiệp đó;
(c) Doanh nghiệp và người nội bộ của doanh nghiệp đó theo quy định tại khoản a khoản 38 điều này;
(d) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b khoản 38 điều này;
(e) Công ty mẹ, công ty con;
(g) Người nội bộ của công ty mẹ, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này trong mối quan hệ với công ty con;
(k) Doanh nghiệp và các đối tượng quy định tại điểm c, đ, e, g, h khoản 17 điều 4 Luật Doanh nghiệp".
Tham gia trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chiều ngày 14/11/2018 tại Tp.HCM, một cá nhân bên Tập đoàn Cao su nêu ý kiến với trường hợp quy định "Người có liên quan" bao gồm con dâu con rể, tức bao hàm con dâu con rể nước ngoài, thậm chí là người nước ngoài định cư ở nước ngoài thì những thành viên này mua cổ phiếu sẽ bị phạt thì nên cân nhắc. Vị này cho biết khi bổ sung thêm đối tượng em rể, em dâu thì quy định như vậy quá rộng và quá phiền.
"Theo kê khai thì những người mà không có nhu cầu giao dịch cổ phiếu thì quá phiền, anh chị em con cháu mỗi người một nơi, thực tế rất khó khăn để tổng hợp. Còn mục đích để ngăn chặn rủi ro nội gián thì cũng không cần thiết quy định như thế này", vị này nói thêm.