MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì đâu một cổ phiếu tăng "sốc" 2.567% sau 11 tháng, thị giá "bật dậy" từ vùng 5.500 đồng lên sát mốc 150.000 đồng?

Vì đâu một cổ phiếu tăng "sốc" 2.567% sau 11 tháng, thị giá "bật dậy" từ vùng 5.500 đồng lên sát mốc 150.000 đồng?

Mức tăng đột biến là vậy, song cũng không nhiều nhà đầu tư có thể tận hưởng niềm vui lãi khủng. Tính trong cả tháng 11, tổng thanh khoản LIC chỉ đạt hơn 2 triệu đơn vị, điều này xuất phát từ việc cơ cấu cổ đông LIC khá cô đặc.

Chốt phiên cuối cùng của tháng 11/2021, thị giá LIC của Tổng Công ty Licogi - Công ty Cổ phần tăng hết biên độ 15% lên mức 146.700 đồng/cổ phiếu với hơn 22.000 đơn vị được giao dịch trong phiên. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của LIC đạt 13.203 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ là 900 tỷ đồng.

Vì đâu một cổ phiếu tăng sốc 2.567% sau 11 tháng, thị giá bật dậy từ vùng 5.500 đồng lên sát mốc 150.000 đồng? - Ảnh 1.

Chuỗi tăng trần 15 phiên liên tục trong tháng 11 của LIC

Như vậy, trong 24 phiên giao dịch của tháng 11, có tới 17 phiên cổ phiếu LIC tăng kịch trần, 2 phiên tăng giá và 3 phiên còn lại là đứng tham chiếu hoặc giảm. Tính từ đầu tháng 11 tới hiện tại, thị giá LIC được đẩy lên gấp gần 10 lần so với thời điểm cuối tháng 10.

Nhìn rộng hơn, thời điểm đầu năm 2021, LIC dậm chân tại mức 5.500 đồng/cổ phiếu. LIC cũng từng đằng đẵng hơn 4 năm giao dịch tại vùng dưới mệnh giá kể từ khi cổ phần và giao dịch trên sàn chứng khoán vào tháng 6/2017. Sau quãng thời gian "ngủ quên", giá cổ phiếu bất ngờ "bật dậy", tăng tới 2.567% sau 11 tháng khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn muốn tìm hiểu nguồn cơn của mức tăng phi mã này.

Câu chuyện thoái vốn nhà nước và cơ cấu cổ đông cô đặc

Điều đầu tiên phải nói tới chính là câu chuyện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện, LIC đang nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn năm 2021 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Kỳ vọng định giá lại tài sản (gồm nhiều bất động sản) đã khiến giới đầu tư đổ mạnh vào LIC, đẩy giá cổ phiếu "bay cao".

Tuy nhiên, xét đến thời điểm cuối năm nay, khi chỉ còn 1 tháng nữa sẽ khép lại 2021 thì có lẽ phải đến năm 2022 việc thoái vốn này mới hoàn thành.

Mức tăng mạnh là vậy, song cũng không nhiều nhà đầu tư có thể vui mừng vì lãi khủng. Tính trong cả tháng 11, tổng thanh khoản LIC chỉ đạt 2 triệu đơn vị, điều này xuất phát từ việc cơ cấu cổ đông LIC khá cô đặc. Theo đó, hiện 3 cổ đông lớn đang nắm giữ tổng cộng 94,95% vốn điều lệ, ứng với hơn 88 triệu cổ phần LIC, gồm SCIC với 40,71% vốn, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông (công ty có liên quan đến Phó Chủ tịch HĐQT Phan Thanh Hải) nắm giữ 35% vốn và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường sở hữu 19,24% vốn.

Như vậy, chỉ có khoảng vài triệu cổ phiếu được cổ đông nội bộ và các cổ đông khác nắm giữ, do đó khối lượng giao dịch chỉ từ vài trăm đến hai, ba chục nghìn đơn vị được khớp lệnh.

Vì đâu một cổ phiếu tăng sốc 2.567% sau 11 tháng, thị giá bật dậy từ vùng 5.500 đồng lên sát mốc 150.000 đồng? - Ảnh 2.

Cổ phiếu LIC tăng khủng những thanh khoản không cao

Trong hai tháng gần nhất 10 và 11/2021, việc giao dịch cổ phiếu LIC sôi động cũng chủ yếuxuất phát từ giao dịch ban lãnh đạo. Gần nhất, ông Nguyễn Anh Dũng, Kế toán trưởng LIC và ông Nguyễn Danh Quân, Ủy viên HĐQT đã báo cáo bán toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ, lần lượt là 5.400 và 469.600 cổ phiếu.

Bên cạnh đó, vẫn còn hàng loạt giao dịch từ ban lãnh đạo đã đăng ký bán toàn bộ cổ phần và đang trong thời gian giao dịch hoặc chưa báo cáo kết quả. Cụ thể, ông Phan Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán hết 16.796 cổ phiếu LIC từ 5/12 đến 3/12/2021; ông Ưng Tiến Đỗ, Ủy viên HĐQT và em trai Ưng Sỹ Giang đăng ký bán 68.279 và 3.500 cổ phiếu từ 3/11 đến 30/11; ông Nguyễn Danh Quốc, anh ông Nguyễn Danh Quân đăng ký bán 6.700 cổ phiếu; bà Phan Lan Anh, Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán 19.594 cổ phiếu từ 17/11 đến 15/12.

Song, cũng cần nhấn mạnh rằng việc thị giá tăng quá cao cũng có thể gây không ít khó khăn nếu SCIC muốn thực hiện thoái vốn theo giá trị trường.

Kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý gần nhất, khối tài sản đất đai có giá trị thị trường nghìn tỷ đồng

Nhìn vào báo cáo tài chính của LIC, quý 3 vừa qua doanh nghiệp có sự khởi sắc khi báo lãi hơn 54 tỷ đồng, bù lỗ cho hai quý đầu năm kinh doanh không mấy tích cực. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, LIC đạt 1.364 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,7% so cùng kỳ năm trước và 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ, tăng 42% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2020.

Vệc kinh doanh khởi sắc trong quý 3 cũng một phần khiến mức tăng phi mã của cổ phiếu LIC được "thấu hiểu" đôi chút.

Vì đâu một cổ phiếu tăng sốc 2.567% sau 11 tháng, thị giá bật dậy từ vùng 5.500 đồng lên sát mốc 150.000 đồng? - Ảnh 3.

Nhìn lại trước đây, tháng 4/2015, hoạt động IPO của LIC hoàn tất và Tổng công ty chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2015. Tuy nhiên, mặc dù thương vụ cổ phần hóa được đánh giá là thành công nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sau đó lại rơi vào chuỗi dài thua lỗ. Năm đầu sau khi cổ phần hóa, LIC báo lỗ sau thuế kỷ lục 437 tỷ đồng.

Trong giai đoạn sau đó từ 2017 đến hết nửa đầu năm 2021, chỉ duy nhất năm 2018 là LIC có lãi gần 47 tỷ đồng, ngoài ra các khoản lỗ vẫn xuất hiện triền miên, đẩy con số lỗ lũy kế vượt cả vốn chủ sở hữu. Tính đến 30/9/2021, LIC vẫn còn lỗ lũy kế 547 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 453 tỷ đồng.

Không chỉ kinh doanh yếu kém, chất lượng tài chính của Tổng công ty cũng bị đặt dấu hỏi lớn khi đơn vị kiếm toán liên tục đưa ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh với nhiều khoản mục.

Song, cũng cần nhắc đến khối tài sản đất đai giá trị thị trường nghìn tỷ thuộc sở hữu của LIC, gấp nhiều lần vốn hóa doanh nghiệp tại thời điểm đầu năm nay.

Theo đó, trong BCTC quý 3/2021, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn ghi nhận 1.172 tỷ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội). Đây là dự án có quy mô 351.422 m2, tương đương 35,1ha với quy mô dân số 9.000 người. Tại thời điểm này, giá đất xung quanh dự án Thịnh Liệt được rao bán lên tới cả 100 triệu đồng/m2, từ đây không ít nhà đầu tư đã kỳ vọng về nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho Tổng Công ty khi dự án Thịnh Liệt được hoàn thành.

Bên cạnh dự án Thịnh Liệt có quỹ đất lớn thì LIC cũng đầu tư vào dự án xây dựng công trình trụ sở Licogi (Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng; dự án xây dựng tòa nhà Licogi (Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên