Ví điện tử nội “bắt tay” nền tảng ngoại: Không chỉ là "win-win"
Các nền tảng ngoại có xu hướng hợp tác ngày càng nhiều hơn với các ví điện tử nội. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Tin tức)
Xu hướng các nền tảng ngoại bắt tay hợp tác với ví điện tử nội được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, vượt khỏi chuyện "đôi bên cùng có lợi".
- 11-03-2023Hậu trường kinh doanh bất ngờ của bản hit hàng chục triệu view mà Đức Phúc ‘được ban nhạc huyền thoại 911 mời remake’
- 11-03-2023AI tưởng tượng Hà Nội sẽ ra sao vào năm 2100?
Ví điện tử nội “bắt tay” nền tảng ngoại: Không chỉ là "win-win"
Hai thông tin gây chú ý gần đây đó là Netflix sẽ sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam theo nguồn tin của Reuters và hãng Grab vừa quyết định chấp nhận thanh toán ví điện tử trong nước là ZaloPay. Thông tin này cho thấy các nền tảng ngoại có xu hướng hợp tác ngày càng nhiều hơn với các ví điện tử nội.
"Gã khổng lồ" truyền hình trực tuyến Netflix có chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam trong năm nay không vẫn đang là đồn đoán. Tuy nhiên trên không gian số, Netflix, Google hay Apple đều đã mở các chi nhánh số tại Việt Nam để chấp nhận thanh toán, đó là trên các nền tảng ví điện tử của doanh nghiệp nội. Xu hướng các nền tảng ngoại bắt tay hợp tác với ví điện tử nội được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, vượt khỏi chuyện "đôi bên cùng có lợi" đơn thuần.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam đang có gần 30 triệu ví điện tử hoạt động. Hơn 3.300 tỷ đồng đang có ở ví để chi tiêu.
Giới phân tích đánh giá những con số này khiến ngay cả ông lớn dịch vụ số phải gật đầu để chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử, dù chưa chính thức đặt văn phòng tại Việt Nam.
Dòng tiền thanh toán này chảy qua các ví điện tử nội, không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, mà còn giúp quyền lợi người dùng được bảo vệ tốt hơn khi có vấn đề phát sinh. Bài toán quản lý các dịch vụ xuyên biên giới cũng sẽ thuận lợi hơn.
"Một dịch vụ xuyên biên giới thông thường sẽ phải trả thuế nhà thầu, thuế VAT tại Việt Nam. Vì vậy việc chống thất thu thuế với các dịch vụ xuyên biên giới thông qua các hình thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam cũng là việc rất tốt cho Nhà nước", ông Hà Đăng Chính, Nhà nghiên cứu công nghệ tài chính đánh giá.
Một số nghiên cứu mới nhất cho thấy, sau nhiều năm cạnh tranh đốt tiền để chiếm thị phần, các doanh nghiệp ví điện tử nội đang chiếm ưu thế hơn ví điện tử của doanh nghiệp ngoại. Bên cạnh đó, các ví cũng dần định hình được tệp người dùng riêng của mình.
Do đó các nền tảng ngoại dù đã sở hữu ví riêng, cũng bắt đầu hợp tác với ví điện tử nội địa, để khai thác chéo lượng người dùng của nhau.
"Để người dùng thực sự thanh toán không tiền mặt một cách rộng rãi, mình cần đưa việc thanh toán không tiền mặt vào những tình huống mà họ sử dụng hàng ngày như đặt xe, đặt đồ ăn. Đây là một sự hợp tác rất tốt để mình cùng phát triển những sản phẩm mới, giúp giải quyết bài toán về thanh toán không tiền mặt", bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay, cho biết.
Cuộc cạnh tranh trên thị trường ví điện tử Việt Nam vẫn rất khốc liệt. Để có thị phần, một số ví điện tử đầu ngành đều đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng. Theo giới quan sát, việc hợp tác giữa khối nội và ngoại cũng phần nào giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hướng đến chiến lược bền vững hơn.
VTV