Vị giáo sư Việt thực hiện ca phẫu thuật chưa từng có trong y văn thế giới: "Nếu sợ thì tôi đã không làm!"
Ghép chi thể từ người cho sống, nuôi cẳng tay trên cẳng chân để chờ ghép là những ca phẫu thuật khiến thế giới kinh ngạc.
- 19-12-2024Giáo sư Nhật Bản đi khắp nơi để tìm bí quyết khỏe tim mạch, phát hiện 7 thực phẩm cực tốt
- 19-12-2024Người Việt trẻ nhất giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 15 tuổi, được phong hàm Giáo sư hạng nhất năm 37 tuổi tại Pháp
- 14-12-2024Giáo sư nổi tiếng nhắc nhở: Nếu không muốn tế bào ung thư “hoạt động mạnh” thì đừng ăn 3 loại thực phẩm này dù có thèm đến đâu!
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - mới đây vừa được vinh danh và bầu làm viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS).
Khi nhìn lại con đường sự nghiệp của mình, giáo sư Hoàng cho biết ông đã phải trải qua không ít chông gai, từng chịu những áp lực khiến ông đôi lúc phải thốt lên “khủng khiếp”. Ông cũng đã thực hiện thành công những ca mổ chưa từng có trong y văn, ghi dấu ấn của y học Việt Nam trên bản đồ thế giới.
CA MỔ CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN - ÁP LỰC “KHỦNG KHIẾP”
Ngọc Minh: Vi phẫu thuật những năm 1990 còn rất mới ở Việt Nam. Vì sao khi đó ông lại quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Đặc thù của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là tuyến điều trị cuối cùng và cao nhất cho các quân nhân sau chiến tranh. Rất nhiều trong số họ có những vết thương, vết loét mãn tính dai dẳng, thậm chí suốt cả chục năm không khỏi.
Khi nhìn thấy những bệnh nhân đau đớn, tử vong trước mắt mình, tôi đã rất trăn trở đặt câu hỏi: “Liệu mình có thể làm được điều gì đó để giúp họ?”.
Những năm 90, vi phẫu thuật trên thế giới phát triển mạnh mẽ, tại Việt Nam mới bắt đầu hội nhập. Qua thực tế lâm sàng hằng ngày, tôi nghĩ rằng vi phẫu thuật tạo hình có thể giúp ích cho rất nhiều thương binh và bệnh nhân ở Việt Nam.
Cho đến nay, thực tế đã chứng minh rằng điều này là hoàn toàn đúng. Nhờ có vi phẫu thuật, những vết thương trước kia điều trị 5-10 năm không khỏi thì nay có thể được điều trị một cách triệt để và hoàn hảo chỉ trong một lần mổ kéo dài khoảng 5-6 tiếng và thời gian nằm viện là 1-2 tuần.
Trong chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình, vi phẫu thuật tạo hình đã biến những thứ trước đây là không thể trở thành có thể.
Ví như trước đây bệnh nhân bị đứt rời cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay… sẽ phải chịu tàn tật suốt đời. Ngày nay, nhờ có vi phẫu thuật mà các bác sĩ có thể trồng nối lại những phần chi thể bị đứt rời đó, trả lại cho họ hình dáng chi thể hoàn hảo với chức năng tối ưu.
Ngọc Minh: Từ Đức trở về Việt Nam và tham gia ngay vào lĩnh vực khó như vi phẫu thuật, ông có gặp nhiều khó khăn khi muốn áp dụng những kiến thức mà mình đã học được?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Chắc chắn là có, do tính chất bệnh tật khác nhau nên để ứng dụng ngay những kiến thức học tập được ở nước ngoài là không hề dễ dàng.
Thêm vào đó, trang thiết bị, máy móc dùng cho việc khám và điều trị bệnh ở nước ngoài thường rất đầy đủ và đồng bộ, còn ở nước ta tại thời điểm đó thực sự còn rất khó khăn.
Một phẫu thuật viên vi phẫu, nếu không có những bộ dụng cụ và trang thiết bị phù hợp thì coi như những gì mình đã học được sẽ đổ hết xuống sông xuống biển.
Không muốn để điều đó xảy ra, tôi đã tự bỏ tiền túi ra mua những dụng cụ và trang thiết bị chuyên ngành phù hợp để mang về nước với mong muốn sử dụng chúng trong điều trị lâm sàng hằng ngày ở Việt Nam cho bệnh nhân.
Tôi còn nhớ ở thời điểm tôi đi làm nghiên cứu sinh ở Đức năm 1994, một chiếc xe Dream thực sự là mơ ước của rất nhiều người. Nó tương đương một căn nhà ở Hà Nội. Nhưng số tiền tôi đã bỏ ra để mua dụng cụ phẫu thuật mang về nước lúc đó chắc chắn còn nhiều hơn mua một chiếc xe Dream nhiều. Nhiều người khi thấy vali của tôi mang về nước là sách vở và các bộ dụng cụ phẫu thuật đã cười ồ lên và nói: “Mấy cái đồ sắt vụn, giấy vụn này mang về Việt Nam ông sẽ bán được mấy đồng?”. Họ hỏi vậy là vì họ chưa hiểu hết được giá trị sử dụng những thứ tôi mang.
Ngọc Minh: Khó khăn về trang thiết bị thì ông có thể tự bỏ tiền túi ra mua, nhưng thuyết phục lãnh đạo cho phép áp dụng các kỹ thuật mới thì sao?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Thiếu thốn về cơ sở vật chất là những cái hữu hình có thể giải quyết được. Còn điều khó khăn hơn bội phần là phải làm sao thuyết phục được ban lãnh đạo đồng ý và tin tưởng, cho phép áp dụng những kiến thức và kỹ thuật mới đó.
Tôi còn nhớ, khi mới làm xong nghiên cứu sinh ở Đức về, tôi là một bác sĩ còn rất trẻ. Cũng đã có những nghi ngại, thậm chí là những dư luận truyền miệng kiểu như “Học là một chuyện, làm lại là chuyện khác…”, “chỉ là mang danh hão thôi”...
Mãi cho tới năm 2004, khi trở thành Phó chủ nhiệm khoa và sau đó là Chủ nhiệm khoa năm 2005 thì tôi mới thực sự “có đất” để được làm những ấp ủ trước đó.
Ngọc Minh: Giáo sư có còn nhớ ca mổ đầu tiên ông được lãnh đạo bệnh viện cho phép thực hiện trong lĩnh vực vi phẫu thuật?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Nhớ rất rõ chứ, vì ca đó tôi đã thực hiện trong một trạng thái áp lực khủng khiếp.
Đó là cuối năm 1999, một bệnh nhân vào viện cấp cứu với tổn thương đứt rời hoàn toàn cả 5 ngón tay bàn tay phải do tai nạn lao động. Trong trường hợp này, chỉ định trồng lại các ngón tay bị đứt rời là một chỉ định tuyệt đối, nhất là khi đó lại là bàn tay thuận.
Tuy nhiên, lúc đó mới chỉ có 1-2 phẫu thuật viên rất giàu kinh nghiệm của bệnh viện được phép thực hiện phẫu thuật nối chi. Và ngay cả trong những trường hợp như vậy, cũng chưa thể dự đoán hết được khả năng sống sau mổ của các ngón nối.
Tôi đã mạnh dạn xin lãnh đạo khoa cho phép tôi được thực hiện ca mổ vi phẫu này và sẽ cố gắng ở mức cao nhất, dù tôi biết rõ trang thiết bị sẵn có của bệnh viện khi đó chưa phải là đầy đủ.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 10 tiếng liên tục, từ 21 giờ tối tới 8 giờ sáng hôm sau đã thành công tốt đẹp. Cả 5 ngón nối đều sống và sau này kết quả phục hồi chức năng của cả 5 ngón tay đều rất tốt.
Cho tới nay, tôi đã thực hiện thêm rất nhiều ca mổ còn khó hơn như vậy. Tuy nhiên, mỗi khi nghĩ lại ca mổ đó, tôi vẫn còn cảm thấy rùng mình với áp lực khủng khiếp từ mọi phía.
Tôi tin rằng, trong thành công đó có sự may mắn, nhưng nó cũng đã giúp cho tôi tự tin hơn trong các hoạt động chuyên môn sau này.
LÀM NHỮNG ĐIỀU CHƯA TỪNG CÓ TRONG Y VĂN THẾ GIỚI Ngọc Minh: Thế còn những ca phẫu thuật mà ông thực hiện ở nước ngoài?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Ca mổ đáng nhớ nhất mà tôi được tham gia với tư cách phẫu thuật viên chính trong thời gian học tập ở nước ngoài là vào năm 2008 tại bệnh viện ngoại khoa Recht der Isar thuộc trường ĐHTH Munich, CHLB Đức. Đây là ca mổ ghép đồng thời 2 cánh tay từ một người cho chết não đầu tiên trên thế giới. Ca mổ đã rất thành công và cả 5 phẫu thuật viên chính tham gia ca mổ này đều nhận được Huy chương vinh danh Karl Max von Bauerfeind của của Trường ĐHTH Munich.
Sau này khi trở về nước, tôi đã mạnh dạn gặp lãnh đạo bệnh viện để đề xuất thực hiện phẫu thuật ghép chi thể ở Việt Nam. Tuy nhiên, do không có được sự đồng thuận của lãnh đạo bệnh viện nên ý tưởng đó đã phải dừng lại.
Tới năm 2014, khi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có đề án về ghép tạng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phẫu thuật ghép tạng nói chung và ghép chi thể nói riêng lúc đó mới có đất để phát triển.
Năm 2019, bệnh viện đã cho phép kíp thực hiện ca ghép bàn tay đầu tiên từ người cho sống. Sau ca ghép này, chúng tôi còn thực hiện thêm nhiều ca ghép chi thể khác nữa với kết quả rất tốt.
Ngọc Minh: Giới y khoa đánh giá thế nào về những ca ghép chi thể ở Việt Nam và nhất là các ca ghép từ người cho sống?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Các ca ghép chi thể từ người cho sống được đánh giá độc đáo và đột phá trong y học. Vì đã tận dụng phần thừa còn nguyên lành của các phần chi thể bị cắt cụt không còn khả năng bảo tồn để ghép.
Với nguồn chi thể ghép rất hiếm hoi như hiện nay, phương pháp của chúng tôi cho phép mở ra những nguồn hiến chi mới tiềm năng và phong phú.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thực hiện được 4 ca ghép với 6 chi thể. Sau mổ, các bệnh nhân đều đã trở lại với cuộc sống lao động và sinh hoạt bình thường và đã có một chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều lần so với trước mổ.
Ngọc Minh: Tôi được biết GS đã dùng chân để nuôi sống một cẳng tay - điều tôi chưa thể tưởng tượng ra. Giáo sư có thể nói rõ hơn về ca bệnh này?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Đó là ca ghép chi thể thứ ba mà chúng tôi thực hiện cho một bệnh nhân nam 31 tuổi. Người hiến chi là một nam thanh niên còn rất trẻ tuổi, bị tai nạn lao động làm đứt hoàn toàn cánh tay ngang mức khớp vai. Do mạch máu bị dập nát, các dây thần kinh bị nhổ giật hoàn toàn ngang mức tủy sống nên việc trồng lại cánh tay đó là hoàn toàn không còn chỉ định.
Mặc dù cánh tay không trồng lại được nữa, nhưng sau khi thăm khám kỹ, chúng tôi nhận thấy rằng phần cẳng tay của cánh tay đứt rời vẫn còn nguyên vẹn, có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân khác.
Sau khi trao đổi với bệnh nhân, mặc dù rất sốc, nhưng bệnh nhân và gia đình đã đồng ý hiến phần cẳng tay đó mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì. Họ thực sự là những người rất nhân văn, và điều đó đã khiến chúng tôi rất cảm động.
Do không thể tìm được bệnh nhân ghép phù hợp ngay lập tức nên phần cẳng tay còn lành đã được cấy tạm xuống cẳng chân của chính bệnh nhân. Sau 2 tuần, phần cẳng tay còn nguyên lành đó đã được ghép thành công cho một bệnh nhân nam 30 tuổi bị cụt cẳng tay do một tai nạn lao động từ 4 năm trước đó.
Cẳng tay ghép đang sống rất tốt và cho đến nay, bệnh nhân đã có thể sử dụng tay ghép để thực hiện hầu như tất cả các hoạt động bình thường hàng ngày như: buộc dây giày, cầm nắm các đồ vật, cầm bút để vẽ, rót nước, lướt điện thoại…
Ghép chi thể theo cách thức như thế này thực sự là chưa từng được mô tả và thông báo trong y văn thế giới. Ca ghép đặc biệt và độc đáo này sẽ được chúng tôi công bố sớm với các đồng nghiệp trên thế giới thông qua các bài báo khoa học quốc tế.
Ngọc Minh: Làm những thứ chưa ai từng làm, ông có sợ gặp thất bại?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Nếu sợ thì tôi đã không làm, và nếu đã làm thì phải thành công ở mức tối đa.
Tuy nhiên, những ca đầu tiên bao giờ cũng tiềm ẩn vô vàn khó khăn. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi hiểu rằng không có bất cứ điều gì là dễ dàng. Việc cấy cẳng tay còn lành xuống cẳng chân để nuôi dưỡng tạm thời trong giai đoạn chuẩn bị trước khi ghép cho bệnh nhân khác là khả thi và có thể thực hiện được với khả năng kỹ thuật của chúng tôi.
Cuối cùng, kết quả đã cho thấy, nhận định đó là đúng. Tình trạng của cả bệnh nhân cho và bệnh nhân nhận đều tốt và an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện. Theo dõi 18 tháng sau mổ cho thấy kết quả phục hồi chức năng của chi ghép sau mổ là rất ấn tượng, trên cả kỳ vọng của chúng tôi.
HAI LẦN TỪ CHỐI Ở LẠI ĐỨC VÀ QUAN ĐIỂM “KHÔNG CÓ TÂM THÌ ĐỪNG LÀM BÁC SĨ”
Ngọc Minh: Hai lần ông được mời ở lại Đức làm việc và ông đều đã từ chối. Ở thời điểm đó, có ai nói quyết định của ông là dại không?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Đương nhiên là có rồi. Đã có người hỏi tôi: “Được ở lại Đức với một cương vị đáng mơ ước với rất nhiều người, kể cả đối với người Đức, vậy mà anh lại từ chối, tại sao anh dại vậy”.
Thực sự, cá nhân tôi đã xác định ngay từ đầu rằng, đi học ở nước ngoài là để mang kiến thức và kinh nghiệm về nước cống hiến phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân mình.
Ngọc Minh: Là giáo sư, phó giám đốc bệnh viện, ông không hề ngần ngại đi xin tiền để hỗ trợ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Tôi nghĩ nếu không có tâm thì không nên theo ngành y.
Cá nhân tôi luôn rất thương bệnh nhân nghèo hoặc những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu tôi có thể giúp đỡ bệnh nhân được điều gì đó thì có gì phải ngại.
Tôi còn nhớ mãi trường hợp một bé gái 8 tuổi có hoàn cảnh gia đình rất nghèo bị chấn thương gãy hở 2 xương cẳng chân kèm theo khuyết hổng phần mềm lớn do tai nạn giao thông. Sau tai nạn, vì gia đình không có đủ tiền để phẫu thuật nên đã buộc phải chấp nhận cắt cụt cẳng chân của cháu. Nhìn một bé gái xinh xắn phải cắt bỏ chân vì không có tiền chữa bệnh trong khi khả năng kỹ thuật của bệnh viện chúng tôi hoàn toàn có thể cứu chữa được, điều đó đã làm cho tôi xót xa và day dứt mãi cho đến bây giờ.
Sau ca bệnh đó, vì không muốn phải nhìn thấy những hoàn cảnh thương tâm như vậy, tôi đã gọi điện cho bạn bè và các công ty mà tôi quen biết để nhờ họ giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Cho đến nay, đã có nhiều đơn vị đồng ý hỗ trợ và đã giúp đỡ trực tiếp một cách rất hiệu quả cho nhiều bệnh nhân nghèo.
Ngọc Minh: Rất thương bệnh nhân, nhưng tôi nghe đồn giáo sư rất nghiêm khắc với các học trò của mình?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Tôi nghĩ sự khắt khe trong chuyên môn ngành y là rất cần thiết vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Tôi chỉ luôn mong rằng các thế hệ sau sẽ phải nghiêm túc hơn và giỏi giang hơn thế hệ chúng tôi để nền y học nước nhà có thể sánh vai với các nước trong khu vực và quốc tế.
Tôi vẫn luôn nói với các đồng nghiệp rằng: “Không cố gắng vươn lên thì cũng có nghĩa là chúng ta đang thụt lùi so với bạn bè đồng nghiệp”.
Ngọc Minh: Trong thời gian tới, giáo sư có dự định nghiên cứu gì mới không?
GS Nguyễn Thế Hoàng: Tôi vẫn luôn rất đam mê với các đề tài nghiên cứu khoa học về ghép chi thể, tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới, dịch chuyển các vạt tổ chức tự do vi phẫu, điều trị các dị tật bẩm sinh phức tạp...
Một mong muốn nho nhỏ nữa là cập nhật những kết quả nghiên cứu và những kinh nghiệm đáng nhớ của mình để trao đổi với các đồng nghiệp và bạn bè trong nước cũng như quốc tế.
Thực tế hiện nay đã chỉ ra rằng, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là rất cần thiết để có được những đề tài nghiên cứu có giá trị. Bên cạnh đó, làm việc theo nhóm và có sự ủng hộ của lãnh đạo cấp trên là những yếu tố không thể thiếu được để có thể xây dựng được một cơ sở nghiên cứu mạnh.
Tuy cũng khá bận rộn với công việc quản lý hằng ngày, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy rằng trái tim mình vẫn đang cháy hết mình cho chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và thành công!
Đời sống & pháp luật