MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì lệnh cấm của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải chi 300 tỷ USD để nhập chất bán dẫn

31-08-2020 - 09:59 AM | Tài chính quốc tế

Tại Hội nghị bán dẫn thế giới diễn ra ở Nam Kinh vào hôm thứ Tư vừa qua, một chuyên gia trong ngành này đã phát biểu rằng Trung Quốc sẽ phải chi hơn 300 tỷ USD để nhập khẩu chất bán dẫn trong năm nay, sau khi Mỹ tiếp tục gây áp lực lên cơ hội tiếp cận với các loại chip tiên tiến nhất của quốc gia này.

"Trung Quốc là nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới", Wei Shaojun, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp chất bán dẫn Trung Quốc, cho biết hôm thứ Tư. Năm ngoái, Trung Quốc đã phải nhập khẩu một lượng chất bán dẫn trị giá đến 301 tỷ USD - nhiều hơn cả con số 238 tỷ USD mà nước này chi cho việc nhập khẩu dầu thô. Wei Shaojun nói rằng Trung Quốc sẽ vẫn chi 300 tỷ USD hoặc nhiều hơn nữa cho chất bán dẫn trong năm nay miễn là "không có điều gì bất thường xảy ra".

Những thứ trước giờ được xem là "bình thường" đang thay đổi nhanh chóng khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày càng sử dụng sự thống trị của mình trong ngành bán dẫn để cắt đứt nguồn cung cấp quốc tế dành cho các công ty Trung Quốc - đặc biệt là Huawei Technologies.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quy định rằng các công ty không được bán chất bán dẫn tùy chỉnh cho Huawei nếu công nghệ của Mỹ được sử dụng tại bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình sản xuất. Quy tắc đó đã khiến cho mối quan hệ kinh doanh giữa Huawei và nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là TSMC bị đổ vỡ, vì Huawei sử dụng phần mềm của Mỹ để thiết kế chip còn TSMC thì sử dụng các công cụ của Mỹ để sản xuất chúng.

Tuần trước, Mỹ lại đi một bước xa hơn và cấm các nhà sản xuất bán bất kỳ chất bán dẫn nào cho Huawei — bao gồm cả các mẫu bán sẵn, thông thường — nếu công nghệ của Mỹ được sử dụng ở bất kỳ giai đoạn sản xuất nào. Quy định mới đó đã hạn chế đáng kể nguồn cung ứng của Huawei, khiến công ty này khó có thể có được chipset loại cao cấp nhất.

Khi Mỹ ngày càng có nhiều hành động mạnh tay hơn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh lại một sáng kiến ​​chính sách được công bố vào tháng 5 có tên là "lưu thông kép" nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của họ không bị ảnh hưởng do sự gián đoạn đến từ bên ngoài.

Mặc dù các chi tiết hiện vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng điểm cơ bản trong sáng kiến này là củng cố chuỗi cung ứng nội bộ của Trung Quốc trong khi duy trì vai trò chủ chốt trong xuất khẩu toàn cầu của quốc gia này. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào chất bán dẫn nước ngoài vừa là động cơ chính vừa là sự cản trở cho việc đạt được mục tiêu đó.

Từ trước đến nay, Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD để cố gắng tạo ra các nhà sản xuất chip đẳng cấp thế giới của riêng mình. Trong lần niêm yết thứ cấp ở Thượng Hải vào tháng trước, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC đã huy động được 7,6 tỷ USD, nhưng công suất của công ty này vẫn còn thua xa so với những công ty hàng đầu khác trên thế giới.

Trong khi đó, Wuhan Hongxin (HSMC), một nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước khác có giá trị hơn 18 tỷ USD, được cho là đang bên bờ vực phá sản sau khi việc xây dựng nhà máy bị đình trệ do tranh chấp đất đai.

Lê Thanh Hải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên