MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

100 tỷ đồng cho xúc tiến thương mại năm 2015

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 11855/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 gồm 212 đề án của 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng.

Theo đó, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2015 bao gồm các hoạt động thiết thực, khả thi, có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm 2015; các hoạt động phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu, thông tin thương mại trong nước và quốc tế.

Song song với việc thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.

Các hoạt động phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa... góp phần tích cực giúp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia mặc dù chỉ được đầu tư ở mức khiêm tốn, song đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia đã tiếp tục góp phần vào việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu; củng cố, khai thác và phát triển thị trường nội địa; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giảm mức tồn kho.

Với sự hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong năm 2014, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng.

Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, Campuchia, một số nước Trung Đông và Châu Phi, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào thị trường các nước nói trên; xúc tiến đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư; nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam.

Nếu so với nguồn kinh phí năm 2014 thì kinh phí cho chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 đã tăng thêm 30 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ của Cục xúc tiến thương mại quốc gia, năm 2014 chương trình đã hỗ trợ 7.682 lượt doanh nghiệp tham gia với 10.956 gian hàng; 285.285 lượt giao dịch; 2.211.546 lượt khách thăm quan, mua sắm; ký kết được các hợp đồng, biên bản ghi nhớ giá trị; doanh thu bán hàng đạt hơn 1,87 tỷ USD và 500 tỷ đồng.

>>>Hoạt động xúc tiến thương mại: “Bước đệm” cho xuất khẩu nhảy vọt

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên