3 động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016
Cơ hội từ các FTA thế hệ mới; tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân phục hồi và kết quả bước đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế là ba động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016.
- 06-01-2016HSBC: Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2016
- 04-12-2015TS. Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam sắp bước qua thời kỳ tăng trưởng ngắn hạn
- 02-12-2015WB: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2016
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo chiến lược về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016.
Theo đó, báo cáo nhận định, năm 2015 là một năm thành công đối với Việt Nam trên phương diện tăng trưởng GDP tiếp tục cải thiện, lạm phát xuống mức thấp kỷ lục, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014. Trong đó, quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87%; quý IV tăng 7,01%.
Mức tăng này vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm và cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng với xu hướng hồi phục nhẹ của hai năm 2013-2014, tín hiệu tăng tốc trong năm 2015 được xem là một trong những cơ sở cho thấy khả năng nền kinh tế đã quay lại chu kỳ tăng trưởng ổn định.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự bứt phá trong năm 2015 với mức tăng 9,64%, vượt trên khu vực dịch vụ (tăng 6,33%); đồng thời cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số GDP.
Với những tín hiệu hồi phục ngày một rõ nét hơn của nền kinh tế, BVSC tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khả quan trong năm 2016 dựa trên 3 động lực chính.
Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm 2016 mà còn trong cả giai đoạn 3-5 năm tới là lộ trình hội nhập của các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết, điển hình là AEC, ASEAN+6, VEFTA, VKFTA và đặc biệt là TPP.
Cơ hội sẽ mở ra cho tất cả các thành phần của nền kinh tế nói chung nhưng vai trò đầu tàu vẫn sẽ thuộc về các doanh nghiệp FDI, với làn sóng chuyển dịch đầu tư, cơ sở sản xuất để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại và những lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam.
Thứ hai, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn. Với những tín hiệu khởi sắc của tăng trưởng GDP các năm qua, thu nhập hộ gia đình cũng tăng lên và hỗ trợ cho cầu tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, diễn biến bình ổn của nền kinh tế vĩ mô với mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý sẽ kích thích nhu cầu đầu tư tư nhân.
Thứ ba, kết quả bước đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, với trọng tâm là cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước và cải cái đầu tư công. Bên cạnh đó là những đổi mới trong cơ chế điều hành lãi suất và tỷ giá mang tính thị trường cao hơn, giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.
Do vậy, sau khi đã điều chỉnh rủi ro suy giảm của các yếu tố đột biến trong năm 2015, BVSC dự báo trong kịch bản trung bình, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5-6,7% năm 2016.