3,6 tỉ USD cho đường sắt từ Sài Gòn về miền Tây
Tuyến đường sắt có 10 ga trên suốt chiều dài 134 km, đi qua 5 tỉnh, thành với dân số khoảng 14 triệu người.
Miền Tây Nam bộ từng là nơi có tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam, dài 70 km, Sài Gòn - Mỹ Tho, hoạt động hơn 70 năm (1885 - 1958). Nay dự án đầu tư tuyến đường sắt về vùng đồng bằng này có quy mô vốn đầu tư 3,6 tỉ USD, vừa được đề xuất.
Tàu chạy bằng điện gió và điện mặt trời
|
Đơn vị đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này là Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phương Nam, có trụ sở tại TP.HCM. Viện này đã tổ chức một Hội đồng khoa học riêng cho dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, do ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó ban Kinh tế T.Ư đứng đầu. 8 hội thảo khoa học về dự án này cũng đã được tổ chức.
Theo đề xuất Viện KH-CN Phương Nam, tuyến đường sắt là đường đôi có khổ đường 1,435 m, tốc độ trên 200 km/giờ đối với vận chuyển hành khách, dưới 200 km/giờ đối với vận tải hàng hóa. Với tốc độ này, hành trình tàu khách từ TP.HCM đến Cần Thơ sẽ chỉ mất khoảng 1 giờ, kể cả thời gian dừng đón, trả khách ở các ga trên đường. Ngoài đoàn tàu khách và tàu hàng nhanh suốt tuyến, có thể tổ chức các đoàn tàu khách ngoại ô, liên vùng (TP.HCM - Mỹ Tho, TP.HCM - Mỹ Thuận) và tàu du lịch. Đây là hệ thống đường sắt điện khí hóa công nghệ cao, sử dụng điện gió và điện mặt trời, không sử dụng điện lưới quốc gia.
Tuyến đường sắt có 10 ga trên suốt chiều dài 134 km, đi qua 5 tỉnh, thành với dân số khoảng 14 triệu người. Các ga trên tuyến đường sắt gồm: Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM); Bến Lức, Tân An (Long An); Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, Mỹ Thuận (Tiền Giang); Vĩnh Long, Bình Minh (Vĩnh Long) và ga cuối Cái Răng (Cần Thơ).
Làm rõ tính khả thi
Tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về dự án này. Sau khi nghe đề xuất và nghe tư vấn Tedi South (Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT phía nam) báo cáo về những nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cho dự án, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã thống nhất chủ trương giao cho Viện KH-CN Phương Nam tiến hành nghiên cứu đầu tư dự án thông qua tài trợ không hoàn lại của một số nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến dự án này.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) bằng 100% vốn của các nhà đầu tư. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu trong nghiên cứu cần đề xuất và làm rõ nguồn vốn, cách thức góp vốn, huy động vốn vay thương mại, dự kiến phương án hoàn vốn và cần xây dựng phương án tài chính cụ thể, khả thi cho dự án.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Viện KH-CN Phương Nam đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ với Tập đoàn EDES (Mỹ). Về nguồn vốn cho dự án, ông Trần Tử Lành, Chủ tịch Tập đoàn EDES, cho hay sẽ huy động từ các nhà tài trợ quốc tế.
Theo ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện trưởng Viện KH-CN Phương Nam, việc lập dự án khả thi sẽ thực hiện trong vòng 1 năm, sau đó trình Bộ GTVT và Chính phủ phê duyệt. Viện và Tập đoàn EDES sẽ xúc tiến thành lập công ty liên doanh đầu tư, kết hợp với Tedi South tiến hành thực hiện lập dự án khả thi, với quyết tâm làm tuyến đường sắt này trong vòng 5 năm.
Theo Mai Vọng