MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Năm 2013, ngành thuế thu ngân sách đạt gần 680.000 tỷ đồng, vượt 5% so với dự toán pháp lệnh. Có 47 trên tổng số 63 Cục Thuế đã hoàn thành dự toán pháp lệnh.

Thưởng Tết Giáp Ngọ: Cao nhất khoảng 709 triệu đồng

Chiều ngày 17/1, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH tổ chức họp báo, thông tin về trợ giúp thiếu đói cho người nghèo và tình hình tiền lương, thưởng Tết cho người lao động trong các doanh nghiệp nhân dịp Xuân Giáp Ngọ.

Ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ LĐTB&XH cho biết về thưởng Tết dương lịch 2014, bình quân người lao động được thưởng 1,1 triệu đồng/người, bằng 90% so với mức thưởng Tết dương lịch bình quân năm 2013.

 Người có mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI tại TP HCM, với 463,7 triệu đồng. Tuy nhiên, có gần 600 doanh nghiệp, với khoảng 256.000 lao động ở 8 tỉnh, thành phố không có thưởng Tết dương lịch cho người lao động.

Về Tết âm lịch, hầu hết các doanh nghiệp có thưởng cho người lao động, với mức bình quân bằng 1 tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng/người), tăng 20% so với mức thưởng Tết năm 2013. Người có mức thưởng Tết âm lịch cao nhất cũng thuộc doanh nghiệp FDI ở TP HCM, với 709 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh là Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết

Ngành thuế thu ngân sách đạt gần 680.000 tỷ đồng

Năm 2013, ngành thuế thu ngân sách đạt gần 680.000 tỷ đồng, vượt 5% so với dự toán pháp lệnh. Có 47 trên tổng số 63 Cục Thuế đã hoàn thành dự toán pháp lệnh.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2013 sáng ngày14/1, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: Đây là một kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh ngành thuế thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ khi đã gia hạn, miễn giảm thuế cho trên 230.000 lượt doanh nghiệp với số tiền gần 12.000 tỷ đồng.

Đồng thời, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp có doanh thu tính thuế giảm khiến nguồn thu ngân sách cũng giảm nhiều.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, năm 2014, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường, một số luật thuế mới với nhiều sắc thuế được miễn giảm, khiến công tác thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn.

Năm 2013: Khoảng 1.400 tỷ đồng trợ giá xe buýt

Năm 2013, tổng kinh phí trợ giá cho xe buýt gần 1.391 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2012. Trong khi đó, số chuyến bình quân khoảng 17.665/ chuyến/ ngày giảm 0,3%; số chuyến trợ giá 6.447 chuyến giảm 39.000 chuyến; hành khách bình quân 1.712 lượt/ngày giảm 8%; lượng xe buýt giảm 82 xe so với năm 2012. Năm qua, lượng hành khách đạt 414,3 triệu lượt, trong đó 374,7 triệu lượt hành khách được trợ giá.

Trong những năm gần đây, số tiền ngân sách trợ giá vé cho hành khách đi xe buýt năm sau luôn cao hơn năm trước: Năm 2010 là 800 tỷ đồng, năm 2011 (1.269 tỷ đồng) và năm 2012 (1.289 tỷ đồng). 

Nhật viện trợ gần 1 triệu USD cho 7 dự án ở Việt Nam

Ngày 15/1 vừa qua, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada đã ký kết khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho 7 dự án tại Việt Nam, với tổng số tiền tài trợ gần 820.000 USD.

Các dự án được viện trợ bao gồm dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, dự án mở rộng Trường tiểu học Tân Dân B, dự án mở rộng Trường tiểu học xã Đoan Bái, dự án mở rộng Trạm y tế xã Bình Bộ, dự án xây dựng Trường trung học cơ sở Thái Phúc, dự án xây dựng Trường tiểu học Tam Tiến và dự án mở rộng Trường tiểu học Tân Lập.

Ngoài việc được tài trợ gần 110.000 USD, dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Mắt Thanh Hóa còn nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ Tadashi Hattori, người đã phẫu thuật miễn phí cho hơn 10.000 bệnh nhân đục thủy tinh thể và bệnh về mắt tại Việt Nam trong nhiều năm qua

World Bank tài trợ 250 triệu USD cho Dự án "Quản lý tài sản đường bộ" của Việt Nam

Ngày 14/01/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký Hiệp định tín dụng trị giá 250 triệu USD tài trợ Dự án “Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam”.

Với 4 hợp phần: Quản lý tài sản đường bộ, Bảo trì tài sản đường bộ, Nâng cấp tài sản đường bộ và Tăng cường năng lực đường bộ, dự án được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 với tổng giá trị 301,7 triệu USD. Trong đó vốn vay World Bank (IDA ưu đãi) là 250 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 1,7 triệu USD và vốn đối ứng là 50 triệu USD. Cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

WB tài trợ dự án dưới hình thức vay ưu đãi với thời hạn vay là 25 năm trong đó có 5 năm ân hạn. Lãi suất vay 1,25%/năm, phí dịch vụ 0,75%/năm và phí cam kết tối đa 0,5%/năm.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Vinalines

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tập trung xử lý tài chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp theo Đề án tái cơ cấu Vinalines.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Vinalines tiến hành cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu đầu tư hợp lý, đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính và nhu cầu của thị trường vận tải biển. Đồng thời tăng cường công tác quản trị, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực chủ động tính toán, có phương án bán tàu để cắt giảm lỗ đối với những tàu không còn nhu cầu khai thác, sử dụng.

  Công Vân

cucpth

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên