MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 17/02 -22/02

Giá xăng dầu tăng 300 đồng/lít, theo Nielsen trong quý 4/2013 chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao nhất trong 2 năm qua, cả nước nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD.. là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua

Giá xăng tăng 300 đồng/lít

Từ 20h00 tối ngày 21/2, Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Cụ thể, giá xăng Ron92 tăng 300 đồng; giá các sản phẩm dầu tăng tối đa từ 204 - 247 đồng/lít.

Bộ Tài chính đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp ngưng hoàn toàn việc sử dụng quỹ bình ổn đối với các loại xăng dầu. Trước đó, mức trích quỹ bình ổn giá dầu hỏa là 40 đồng/lít và dầu mazut là 200 đồng/kg.

Tập đoàn Petrolimex cũng vừa có thông báo điều chỉnh tăng giá.

Theo đó, giá xăng tăng 300 đồng/lít, với xăng Ron92 là 24.510 đồng/lít; xăng Ron95 là 25.010 đồng/lít; Giá dầu diesel tăng 240 đồng/lít lên 22.770 đồng/lít dầu diesel 0,05S, giá dầu hỏa tăng 230 đồng/lít lên 2.630 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng 200 đồng/kg lên 19.010 đồng/kg.

Theo lãnh đạo Petrolimex, việc tăng giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15.10.2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 84) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 84 của Liên bộ Tài chính - Công Thương.

CPI tháng 2/2014 của 2 thành phố lớn có mức tăng thấp nhất trong 10 năm Hà Nội tăng 0,49% và TPHCM tăng 0.24%

Theo Cục Thống kê Hà Nội và TPHCM chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 của Thủ đô chỉ tăng 0,49% và TPHCM tăng 0,24% so với tháng trước.

Mặc dù chiếm trọng thời gian cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, song đây là mức tăng thấp nhất của tháng 2 trong vòng 10 năm qua, cho thấy sức mua chưa có dấu hiệu cải thiện.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ của "rổ" CPI, ngoại trừ ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06% (trong đó lương thực tăng 0,83%, thực phẩm tăng 1,03% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,23%), các nhóm còn lại đầu có mức tăng khá thấp, chỉ dưới 0,6%.

Trong tháng 2, chỉ số giá vàng tăng 2,64% so tháng trước và bằng 77,05% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá USD bằng 99,99% so tháng trước và tăng 1,19% so cùng kỳ.

Với mức tăng 0,24% này, lần đầu tiên sau 10 năm, CPI tháng 2 của Tp.HCM lại có mức tăng thấp hơn tháng 1.

Nếu chỉ nhìn vào chỉ số giá, thật khó để xác định đây là diễn biến giá cả của tháng có Tết nguyên đán và được nghỉ dài bởi có đến 2/11 nhóm hàng chính giảm giá, 2 nhóm giá không biến động, 2 nhóm biến động rất nhẹ so với tháng trước.

Các nhóm còn lại có biến động nhưng không nhiều, không tạo sự khác biệt rõ rệt so với các tháng thông thường trong năm.

Hai nhóm giảm giá so tháng trước là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm thuốc và dịch vụ y tế với các mức giảm tương ứng 1,49% và 0,01% so với tháng trước.

Tháng 2, cả nước nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD

Theo số liệu từ cơ quan thống kê, trong tháng 2/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 20,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,6 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD.

Như vậy, sau khi xuất siêu kéo dài tiếp đến tháng 1/2014, đến tháng 2 này, nhập siêu đã trở lại ở mức 1,2 tỷ USD tương đương 5,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Điển hình như các nhóm mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đều có kim ngạch nhập khẩu tháng 2 cao hơn tháng 1, trong đó có những nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu cao hơn rõ rệt như vải cao hơn 119 triệu USD, sắt thép cao hơn 149 triệu USD, hàng điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 108 triệu USD và nguyên phụ liệu dệt may, giầy dép cao hơn 80 triệu USD.

21 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD trong tháng 1

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất, nhập khẩu tháng 1/2014, tuy bị giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại có kết quả nổi bật là xuất siêu lớn nhất từ trước tới nay, trong đó, khu vực kinh tế trong nước cũng đã xuất siêu (khoảng 31 triệu USD).

Trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 3% so với kết quả thực hiện của tháng 1/2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 11,46 tỷ USD, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là 10,02 tỷ USD. Mức thặng dư đạt 1,41 tỷ USD, cũng là tháng có mức thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả trên đạt được do nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng – đó là mặt hàng chủ lực và thị trường trọng điểm.

UBGSTCQG: Đối mặt với lạm phát cao nếu giá điện tăng 10%

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu giá lương thực và giá điện đều tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng thêm 1–2 điểm % so với năm 2013.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính, sức éplạm phátnăm 2014 có thể cao hơn 2013 do tăng tổng cầu cũng như việc tăng phát hành trái phiếu có thể gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát.

Tuy vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2014 vẫn có những thuận lợi nhờ yếu tố lạm phát tâm lý đang ổn định, xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới và điều hành chính sách vẫn tiếp tục quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô.

Qúy 4/2013: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao nhất trong 2 năm qua

Theo Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam lên 98 trong Q4/2013, mức cao nhất trong 2 năm qua.

Cũng theo công bố này, người tiêu dùng Đông Nam Á tiết kiệm nhất thế giới. Du lịch và nghỉ dưỡng là 2 khoản chi tiêu hàng đầu của người tiêu dùng ở khu vực này.

Khảo sát toàn cầu về niềm tin người tiêu dùng và dự định mua sắm trong Q4/2013 cho thấy Indonesia tiếp tục là nước lạc quan nhất thế giới với chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng 4 điểm lên 124, cao hơn 30 điểm so với trung bình toàn cầu ở 94.

Chỉ số niềm tin tại Philippines và Thái Lan lần lượt 114 (giảm 4 điểm) và 109 (giảm 3 điểm), tuy giảm nhẹ nhưng vẫn nằm trong số 10 nước lạc quan nhất thế giới.

Malaysia đạt mốc 98 còn Singapore là 97. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng nhẹ 1 điểm lên 98, cao hơn 10 điểm so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 2 năm qua.

Công Vân

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên