MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 30/06 - 05/07

WB tài trợ 200 triệu USD cải cách ngành điện,6 tháng, bội chi ngân sách đã vượt ngưỡng 78.800 tỷ đồng, PMI tháng 6 giảm nhẹ còn 52,3 điểm...là những thông tin kinh tế nổi bật trong tuần qua

PMI tháng 6 giảm nhẹ còn 52,3 điểm, 10 tháng liên tiếp đạt trên 50 điểm

Sáng ngày 01/07/2014 vừa qua, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6/2014: "Sản lượng ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng”.

Theo đó, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa đã giảm nhẹ từ mức 52,5 điểm trong tháng 5 còn 52,3 điểm trong tháng 6 vẫn cho thấy có sự cải thiện về điều kiện kinh doanh tại các công ty sản xuất. Tuy nhiên, ở mức 52,3 điểm PMI tháng 6 đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp đạt trên ngưỡng tăng trưởng 50 điểm.

Trong tháng 6, số đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ 7 liên tiếp. Đà gia tăng của số đơn hàng mới đã thúc đẩy sản lượng sản xuất gia tăng tháng thứ 9 liên tiếp. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của số đơn hàng xuất khẩu mới cũng suy yếu nhẹ trong tháng qua.

Uỷ ban GSTCQG “lạc quan” dự báo GDP 2014 tăng trưởng 5,7% - 5,8%

Báo cáo nhận định tăng trưởng và sản xuất tiếp tục được cải thiện trong nửa đầu năm 2014. Tăng trưởng GDP theo quý, sau khi loại bỏ yếu tố mùa vụ, tiếp tục xu hướng tăng kể từ quý 2/2013.

Với xu hướng trên và chưa tính đến ảnh hưởng trễ trong 6 tháng cuối năm của sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, Uỷ ban GSTCQG dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 trong khoảng 5,7 - 5,8%.

Về tình hình lạm phát, nếu không có những biến động về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ vào khoảng 5%. Dự báonày cho thấy một dư địa nhất định để điều chỉnh giá các hàng hóa cơ bản trong 6 tháng cuối năm.

Báo cáo cũng nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được duy trì tốt đối với tiền đồng nhưng ngoại tệ vẫn chịu áp lực nhất định.

Tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79% trong tháng 5/2014 do cho vay nội tệ tăng chậm hơn huy động nội tệ. Tính đến tháng 5/2014, cho vay VND đã tăng 1,1% so với đầu năm, trong khi tiền gửi bằng VND tăng 7,1%.

GDP 6 tháng đầu năm 2014 của Hải Phòng đạt 7,52%,tăng cao nhất trong 3 năm

Theo số liệu của Cục Thống kê TP Hải Phòng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố tháng 6 tăng 8,33% so với tháng 5 và tăng 12,34% so với tháng 6 của năm 2013, cộng dồn 6 tháng năm 2014 tăng 11,81% so cùng kỳ năm trước.

Đây là những dấu hiệu rất rõ về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, sản lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng tiếp tục tăng nhanh, 6 tháng đã đạt gần 30 triệu tấn, tăng trưởng gần 15%.

Kinh tế phục hồi thể hiện rõ nét trong công tác thu ngân sách. Thu nội địa 6 tháng đã đạt hơn 50% mức kế hoạch năm, là tín hiệu đáng mừng bởi những năm trước, kết quả thu những tháng đầu năm rất thấp.

Hải Phòng vẫn là địa chỉ đầu tư đáng tin cậy, hấp dẫn khi vẫn thu hút nguồn vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt hơn 637 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳnăm trước.

WB tài trợ 200 triệu USD cải cách ngành điện

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ngày 2.7 vừa qua cho biết tổ chức này đã chính thức phê duyệt khoản vay 200 triệu USD và khoản tín dụng 70 triệu USD giúp Chính phủ Việt Nam cải cách ngành điện, tăng sức đề kháng trước biến đổi khí hậu và tăng trưởng thân thiện với môi trường.

“Hai hoạt động này sẽ đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam trên con đường tăng trưởng thân thiện với môi trường, qua việc hỗ trợ thành lập thị trường điện hiện đại và hiệu quả, và giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra các chính sách để tăng khả năng chịu đựng biến đổi khí hậu”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nói.

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu nhất. Thiên tai và nước biển dâng đã gây tổn thất lớn về kinh tế và tính mạng con người, trong đó chỉ riêng thiên tai đã gây thiệt hại lên tới 1,5% GDP hàng năm, theo WB.

430 triệu USD xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

Theo tin từ Bộ GTVT cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý để Bộ GTVT xem xét, phê duyệt thiết kế cơ sở đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3, TP.HCM.

Tuyến Nhơn Trạch - Tân Vạn bắt đầu từ nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (Đồng Nai); điểm cuối nối với đường cao tốc Tân Vạn – Mỹ Phước (Bình Dương) dài 34,28 km, gồm 28,4 km chính tuyến và 5,88 km nối với nút giao Thủ Đức.

Theo kết quả nghiên cứu, trong giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, tuyến sẽ được xây dựng theo quy mô 8 làn xe cao tốc và 4 - 6 làn xe trên đường song hành.

Để phát huy hiệu quả đầu tư, trong giai đoạn I, tuyến đường sẽ xây dựng trước 17,8 km từ Nhơn Trạch (đường tỉnh 25B) tới nút giao Thủ Đức theo quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xong hành hai bên đạt tiêu chuẩn cao tốc với chi phí đầu tư là 430 triệu USD.

6 tháng, bội chi ngân sách đã vượt ngưỡng 78.800 tỷ đồng

Mặc dù thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm tăng khá, nhưng chi ngân sách cũng đạt trên 492.000 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Qua đó, bội chi ngân sách sáu tháng đầu năm nay đã vượt ngưỡng 78.800 tỷ đồng, bằng 35,2% dự toán năm. Đây là những con số được đưa ra trong báo cáo của Bộ Tài chính ngày (3/7) vừa qua.

Nhằm bù đắp con số bội chi trên và dành để đầu tư phát triển, đại diện ngành tài chính cho hay, đến ngày 25/6, cơ quan quản lý đã huy động được trên 144.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 48,7% kế hoạch cả năm.

Đưa ra những con số cu thể hơn về công tác thu ngân sách những tháng đầu năm, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy: Tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm đạt 413.560 tỷ đồng, tăng khoảng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công Vân

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên