7 sự kiện kinh tế nổi bật tuần từ 13/10 đến 19/10
Thứ trưởng Bộ GTVT nhầm nguồn tài trợ xây sân bay Long Thành; ANZ “hoài nghi” về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam; Thặng dư thương mại 9 tháng đạt hơn 2,2 tỷ USD ... là những sự kiện nổi bật tuần qua.
Thứ trưởng Bộ GTVT nhầm nguồn tài trợ xây sân bay Long Thành
Tại Tọa đàm trực tuyến “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và Thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 17/10, các khách mời tham dự đã chia sẻ và giải đáp nhiều thắc mắc về siêu dự án tỉ đô này.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết thông tin về việc Nhật Bản cam kết tài trợ khoảng 2 tỉ USD vốn ODA cho sân bay Long Thành. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được công bố, Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận. Cùng ngày hôm đó, ông Tiêu cũng đã cho biết, thông tin được đưa ra trước đó có sự nhầm lẫn.
Thủ tướng kết thúc chuyến thăm và làm việc tại châu Âu
Sáng ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến đi thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu, Cộng hòa LB Đức, tham dự Hội nghị ASEM 10 và thăm Tòa thánh Vatican.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng và lãnh đạo các quốc gia đã có nhiều cuộc họp quan trọng, nhằm thúc đẩy sâu sắc hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và các nước.
ANZ “hoài nghi” về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam
Ngày 15/10, Ngân hàng ANZ thông báo hoài nghi về các số liệu tăng trưởng mới được công bố của Việt Nam, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng trong quý III năm 2014.
Trong quý III vừa qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,19% so với cùng kỳ năm trước; đưa mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, mức tăng trưởng vượt mọi dự báo. Trước đó, tạp chí Bloomberg dự báo mức tăng trưởng 9 tháng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 5,4%.
Hàn Quốc chuyển giao cho Việt Nam hơn 100 công nghệ trong năm 2015
Theo Bộ Công Thương, việc Hàn Quốc chấp thuận chuyển giao hơn 100 công nghệ nằm trong khuôn khổ hợp tác về công nghiệp hỗ trợ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc.
Việc chuyển giao công nghệ tập trung chủ yếu ở 4 lĩnh vực: cơ khí chế tạo, dệt may - da giày, ô tô và điện - điện tử.
Thặng dư thương mại 9 tháng đạt hơn 2,2 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau 9 tháng năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 109,87 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực FDI đạt 67,8 tỷ USD; tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp hơn 66,6% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 107,6 tỷ USD; tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 9 tháng, cả nước xuất siêu hơn 2,2 tỉ USD. Tuy xuất siêu khá lớn, song Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào hàng hóa Trung Quốc khi nhập siêu hơn 20 tỉ USD từ Trung Quốc.
Dự báo sẽ có 6 chỉ tiêu KT-XH giai đoạn 2011 – 2015 không đạt
Để chuẩn bị Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII (bắt đầu họp vào ngày 20/10 tới đây), Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 4 năm 2011-2014; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Dự báo sẽ có 6 chỉ tiêu không đạt gồm: tốc tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển, tạo việc làm, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ lao động qua đào tạo. Thêm vào đó sẽ không đạt chỉ tiêu về bội chi ngân sách nhà nước so với GDP.
Giá xăng giảm 670 đồng/lít
Sáng 13-10, Bộ Tài chính đã có công văn số 14479/BTC-QLG gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối yêu cầu giảm giá bán lẻ xăng dầu kể từ 12 giờ ngày 13-10. Đây là lần giảm thứ 7 liên tiếp của giá xăng, dầu.
Theo đó, giá bán xăng RON95 và RON92 của Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam Petrolimex và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khác đã được điều chỉnh giảm 670 đồng/lít; giá dầu điêzen 0,05S được điều chỉnh giảm 880 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 850 đồng/lít; dầu mazút giảm 730 đồng/kg.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%, thặng dư thương mại đạt hơn 2,2 tỷ USD
Nguyệt Quế (Tổng hợp)