MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 sự kiện kinh tế vĩ mô nổi bật tuần từ 15- 19/9

Đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, VN xuất siêu gần 3 tỷ USD sau 8 tháng, tín dụng hết tháng 8 tăng trưởng 5,82%, đầu tư 19 tỷ USD ra nước ngoài...là những sự kiện nổi bật.

Đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).

Căn cứ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Quy hoạch sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là sân bay dân dụng cấp 4C, sân bay quân sự cấp I tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết.

Theo Quy hoạch này, sân bay Phan Thiết có vai trò chức năng bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn và giai đoạn đến năm 2030 có thể phát triển khai thác bay thường lệ khi có thị trường. 

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Dự án đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Công ty cổ phần Rạng Đông và các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo hình thức BOT.

OECD: 40 năm nữa Việt Nam mới thoát bẫy thu nhập trung bình

Ngày 19/9, Diễn đàn Phát triển châu Á (ADF), lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, với chủ đề "Vượt qua bẫy thu nhập trung bình". Diễn đàn do Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức nhằm tập trung thảo luận về những thách thức mà một quốc gia gặp phải khi đạt ngưỡng thu nhập trung bình, nhưng không thể vươn lên nấc thang cao hơn, thậm chí thụt lùi về tăng trưởng.

Trưởng ban châu Á của OECD – ông Kensuke Tanake đưa ra một bảng dự báo về thời gian dự tính để các nền kinh tế có thu nhập trung bình châu Á trở thành nước phát triển. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm tốn nhiều thời gian nhất, với thời gian lên hạng thu nhập cao vào năm 2058, trước Ấn Độ một năm.

Trong khi đó, các nước lân cận như Malaysia được dự báo sẽ vượt ngưỡng thu nhập trung bình vào năm 2020, Trung Quốc năm 2026 và Thái Lan năm 2031.

Nói về hiện trạng phát triển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định mình đang là một nước có thu nhập trung bình thấp. Đây là kết quả của quá trình dài 30 năm và những động lực phát triển trước đây đã gần hết dư địa.

Ở quy mô rộng hơn, theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á sẽ đứng trước 2 kịch bản phát triển đến năm 2050. Kịch bản thứ nhất là GDP cao gấp 10 lần năm 2010. Kịch bản thứ hai là toàn châu lục mắc kẹt vào cái bẫy nói trên.

Nhờ FDI, Việt Nam xuất siêu gần 3 tỷ USD sau 8 tháng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 13,3 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước; nhập khẩu đạt 12,2 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước.  Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2014, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 94,16 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Như vậy, chỉ tính riêng tháng 8, Việt Nam đã xuất siêu 1,1 tỷ USD; thặng dư thương mại 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ USD. Đây là mức thặng dư thương mại kỷ lục của Việt Nam. Đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp 59,6 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo chi tiết cho thấy gần 20 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 12 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Về nhập khẩu, có 18 nhóm mặt hàng nhập khẩu hơn 1 tỷ USD, không tính xăng dầu. Tổng 8 tháng đầu năm, Việt Nam có đến 11 nhóm hàng có giá trị nhập khẩu trên 2 tỷ USD. 

Hoa Kỳ tài trợ giải pháp lưới điện thông minh tại Việt Nam

Ngày 17/9, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết giữa Bộ Công Thương và Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) về “Thỏa thuận tài trợ dự án Áp dụng thí điểm giải pháp lưới điện thông minh để thực hiện tự động điều chỉnh phụ tải điện.”. Thỏa thuận này nhằm giúp các tập đoàn năng lượng Việt Nam có thể quản lý tốt hơn nhu cầu sử dụng năng lượng trong giờ cao điểm và tối ưu hóa hiệu quả phân phối điện.

Đây là một trong những chương trình thuộc Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012. Mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, góp phần quản lý nhu cầu điện và khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. 

Với nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của USTDA là hơn 700.000 USD, dự án nhằm giúp Việt Nam quản lý nhu cầu sử dụng điện tốt hơn khi công suất phát điện dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2025. Nếu triển khai và áp dụng rộng rãi các giải pháp tự động điều chỉnh phụ tải điện tại các tập đoàn năng lượng trên khắp cả nước, công nghệ này có thể sẽ giúp tiết kiệm khoảng 300MW vào giờ cao điểm đối với những phụ tải lớn của lưới điện Việt Nam

Thương mại Việt - Đức: 3 năm tăng 7,5 lần

Tại Hội thảo “Thị trường Đức - điểm sáng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” diễn ra ngày 17/9, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Đức đã có mức tăng trưởng đáng kể. Riêng trong giai đoạn 2010-2013, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đã tăng hơn 7,5 lần, đạt gần 7,7 tỷ USD. Hai bên hiện đang có những cơ hội rất tốt để khai thác các tiềm lực hợp tác, đặc biệt khi Việt Nam và EU đang khẩn trương kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do.

Nền kinh tế Việt Nam và Đức có sự bổ trợ cho nhau rất lớn khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Đức các mặt hàng: điện thoại và linh kiện điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản… và nhập khẩu từ Đức các mặt hàng: máy móc, dụng cụ, dược phẩm, sản phẩm hóa chất…

Hiện nay, có khoảng 300 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam với nguồn vốn khoảng 1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp lớn của Đức đang tìm địa điểm đầu tư mới thay Trung Quốc.

Việt Nam đầu tư 19 tỷ USD ra nước ngoài

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố mới đây cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2014, Bộ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 68 dự án sang 21 quốc gia, với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 894 triệu USD (giải ngân được 608,9 triệu USD).

Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia (chiếm 25% tổng số dự án), Myanmar (chiếm 14%); Lào (chiếm 10%); Hoa Kỳ (chiếm 13,2%). Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực buôn bán thương mại chiếm tới 30,8% tổng số dự án và dịch vụ khác chiếm 20,5%.

Lũy kế đến hết tháng 7/2014, Việt Nam có 890 dự án đã được cấp phép đầu tư sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đạt 19 tỷ USD. Các dự án chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng (dầu mỏ), trồng cây công nghiệp, sản xuất điện, viễn thông. Thị trường đầu tư chính vẫn là Lào, Campuchia, Nga, Venezuela...

Tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng 5,82%

Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đạt 5,82% so với cuối năm 2013, dòng vốn tín dụng đã có sự dịch chuyển tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực bất động sản…

Cụ thể, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 6,1%; dư nợ cho vay xuất khẩu tăng khoảng 4,37%; dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 12,73%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ tăng 6,12%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,57% và dư nợ cho vay bất động sản tăng 9,85%.

Vụ tín dụng các ngành kinh tế đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm nêu trên còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng (mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 12 -14%), dòng chảy tín dụng chưa thực sự khơi thông.


Hường Trịnh

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên