MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 28/04 - 02/05

Nợ công có nguy cơ lên gần 100% GDP,PMI tháng 4 đạt mức kỷ lục mới 53,1 điểm, bội chi ngân sách mới bằng 13,44% dự toán năm ... là những thông tin kinh tế nổi bật trong tuần qua

Giá gas tăng mỗi bình 12kg sẽ tăng thêm từ 3.300 đến 8.000 đồng từ 1/5

Nguyên nhân chủ yếu là giá gas thế giới giao tháng Năm tăng 10 USD một tấn so với tháng Tư, lên 817,5 USD.

Ông Đỗ Trung Thành, Phó trưởng phòng Kinh doanh gas thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro) cho biết kể từ 7h30 ngày 1/5, giá bán lẻ gas SP tăng 667 đồng một kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 8.000 đồng mỗi bình 12 kg so với giá gas đầu công bố đầu tháng Tư.

Tại Hà Nội, ông Phạm Anh Tú, Phó trưởng phòng Kinh doanh Trực tiếp của Công ty Gas Petrolimex - Chi nhánh Hà Nội cũng cho biết từ hôm nay giá bán lẻ gas tăng 275 đồng mỗi kg (sau thuế), tương đương với mức tăng 3.300 đồng một bình 12kg. Theo đó, giá bán lẻ bình quân là 407.000 đồng một bình 12 kg và 1.599.800 đồng cho bình 48kg.

Lạm phát 2014 sẽ dưới 6%

Đánh giá này được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, diễn ra chiều tối 29/4 tại Hà Nội.

Nhìn nhận về tình hình kinh tế tháng 4, Bộ trưởng VPCP Nguyễn Văn Nên cho rằng, bức tranh kinh tế xã hội tháng 4 khá sáng sủa, kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bình ổn, tăng trưởng có nhích lên, tuy chuyển biến còn chậm và một số chỉ tiêu đạt chưa cao.

Các chỉ số trong tháng như giá cả được giữ ở mức khá tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. Với tình hình giá cả, thị trường ổn định, hoàn toàn có cơ sở kiểm soát được lạm phát năm 2014 ở mức 5-6%.

“Dù kinh tế đã có biến chuyển nhưng chưa phải là đột phá. Mức tăng CPI thấp trong 4 năm trở lại đây. Nhưng với tình hình giá cả ổn định thì lạm phát trong năm nay hoàn toàn nằm trong ngưỡng kiểm soát từ 5-6%” – Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP tự tin nói.

Thu ngân sách đạt 30,2% dự toán năm. Tổng chi NSNN ước đạt 266,17 nghìn tỷ đồng bằng 26,4% dự toán năm. Nhìn tổng quan 4 tháng đầu năm 2014 thì tình hình tích cực hơn, có chuyển biến tốt hơn.

Nợ công có nguy cơ lên gần 100% GDP

Các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 một lần nữa cảnh báo về an toàn tài chính quốc gia sau các đợt phát hành trái phiếu ồ ạt.

Phát biểu đầu tiên tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân khai mạc sáng ngày (28/4), Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nguy cơ lớn nhất không nằm ở con số mà ở quan điểm sai về nợ công. Hiện nay nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ đọng xây dựng cơ bản. Cách tính này theo ông Thiên không cho phép đánh giá đúng nguy cơ thực tế.

"Nếu tính đủ, nợ công phải lên tới gần 100% GDP. Tỷ lệ an toàn theo báo cáo hiện nay là 55,7% và 'theo quy định'. Điều này chứa đựng nguy cơ ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro", ông Thiên cho biết.

Theo Viện trưởng Trần Đình Thiên, điều đáng lo lắng là tốc độ nợ tăng nhanh hơn rất nhiều so với GDP nhưng việc đi vay chủ yếu để trả nợ chứ không phải cho sản xuất. Chưa kể, trong cơ cấu, nợ ngắn hạn rất nhiều, khi nền kinh tế suy yếu thì khả năng trả nợ cũng bị ảnh hưởng. "Đồ thị của chúng tôi cho thấy tăng năm nay nghĩa vụ trả nợ là 208.000 tỷ đồng, vượt 26,7% thu ngân sách năm 2014. Mức này đã vượt qua vạch đỏ (25%) và sẽ chiếm tỷ lệ 30% thu ngân sách vào những năm tiếp theo", ông Thiên lo lắng.

PMI tháng 4 đạt mức kỷ lục mới 53,1 điểm

Theo báo cáo này, PMI tháng 4 của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 53,1 điểm từ mức 51,3 điểm trong tháng 3. Đây là mức cao nhất của PMI Việt Nam kể từ khi HSBC bắt đầu khảo sát từ tháng 4/2011.

Trong tháng 4, báo cáo của HSBC cho biết, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam đã mạnh lên tháng thứ 2 liên tiếp và là mức nhanh nhất trong lịch sử chỉ số. Nhu cầu khách hàng tăng lên và giá cả đầu ra hầu như ổn định được cho là đã góp phần làm số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên.

Lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng.

Với việc lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, sản lượng của lĩnh vực này của Việt Nam cũng đã tăng tháng thứ 7 liên tiếp và chỉ thấp hơn mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 4/2011.

Các nhà sản xuất cũng tuyển thêm nhân sự trong tháng 4 sau khi giảm nhẹ lượng việc làm trong tháng 3.

Năm 2014 cần khoảng 12% tổng chi cân đối NSNN để trả nợ

Do quy mô vay nợ ngày càng tăng, nhiều khoản vay bắt đầu đáo hạn nên trong cơ cấu chi NSNN thì trả nợ (gốc lẫn lãi) đang bắt đầu tăng nhanh.

Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 với các chủ đề về kinh tế vĩ mô đang diễn ra tại Hạ Long trong 2 ngày, từ 28/04 đến 29/04.

Theo dự toán NSNN năm 2014 đã được Quốc hội phê chuẩn thì số thu ngân sách được dự báo là 782.700 tỷ đồng, số chi là 1.006.700 tỷ đồng và bội chi dự kiến là 224.000 tỷ đồng- tương đương 5,3% GDP.

Tiến sỹ Vũ Chí Cường nhận xét, ngân sách nhà nước (NSNN) đang đứng trước những thách thức đối với sự bền vững. Đến năm 2013, cơ cấu thu NSNN vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn thu có tính ổn định không cao và không bền vững như thu từ dầu thô, thu từ tiền sử dụng đất, thu từ hải quan.

Về nguồn thu từ thuế, trong ngắn hạn, nguồn thu NSNN có thể giảm do thay đổi chính sách thuế. Theo Luật thuế TNDN đã được Quốc hội thông qua, từ 1/1/2014 thuế suất thuế TNDN sẽ chỉ còn 22% so với 25% trong các năm trước. Thu thuế xuất nhập khẩu cũng có thể giảm đi khi Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012-2014.

Bội chi ngân sách mới bằng 13,44% dự toán năm

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2014 ước đạt 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 30,2% dự toán năm. Trong đó thu nội địa 163,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3%; thu từ dầu thô 31,4 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 40,3 nghìn tỷ đồng, bằng 26,1%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực DNNN đạt 54 nghìn tỷ đồng, bằng 29,3% dự toán năm; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 36,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 35 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7%; thuế thu nhập cá nhân 15,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33%; thuế bảo vệ môi trường 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 25,2%; thu phí, lệ phí 2,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,2%.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2014 ước tính đạt 266,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,4% dự toán năm. Trong đó chi đầu tư phát triển 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 37 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4.

Hồng Vân


cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên