8 sự kiện vĩ mô tiêu điểm năm 2013
Năm 2013 liệu có thể xem là năm “được mùa” của Chính phủ trong điều hành chính sách tiền tệ khi VAMC đã làm yên lòng dân trước cơn bão nợ xấu, lãi suất giảm dần?
Nếu kinh tế vĩ mô năm 2012 được xem là dần đi vào ổn định thì năm 2013 những tảng băng ngầm làm kinh tế vĩ mô năm 2012 có những đợt dậy sóng đơn lẻ đã “lộ thiên” làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đứng trước tình hình đó, lần đầu tiên giới chuyên gia Việt Nam bắt đầu mổ xẻ về độ chân thực của GDP, cũng như thể hiện quan điểm chân thực hơn về những gì nền kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua.
Tuy vậy, năm 2013, đất nước ghi nhận sự nỗ lực của Nhà nước trong việc giải quyết dứt những “tồn đọng” của những năm cũ để sẵn sàng cho thời kỳ phát triển mới.
Dưới đây là 8 sự kiện kinh tế vĩ mô nổi bật trong năm 2013
1. Quốc hội thông qua Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi
Ngày 28/11/2013 có thể xem là thời khắc quan trọng của Đất nước, khi đa số đại biểu Quốc hội đã nhấn nút thông qua Hiến pháp sửa đổi. Việc thông qua Hiến pháp sửa đổi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với toàn dân bởi hiến định quyền sở hữu đất đai, thu hồi và trưng dụng đất.
Đây là cơ sở quan trọng để sửa đổi Luật đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất đai, thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thành lập cơ quan định giá đất độc lập. Việc thu hồi đất phải hài hoà và tính đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất; nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Hiến pháp mới tiếp tục hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo điều này đòi hỏi Chính phủ phải tiến hành những cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.
2. Thất nghiệp tăng nhanh cùng lượng doanh nghiệp giải thể
Lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng đầu năm 2013, cả nước ước tạo việc làm cho trên 1,4 triệu lao động và con số cả năm 2013 ước khoảng 1,54 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị năm 2013 ước khoảng 3,48%, cao hơn so với mức 3,21% năm 2012.
Trong khi đó Tổng Cục Thống kê cho biết, Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 1,58% (Số liệu của năm 2012 tương ứng là: 1,96%; 3,21%; 1,39%. Điều này cho thấy bức tranh khá u ám về tình hình thất nghiệp trong năm 2013 do sản xuất vẫn gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
3. “Băng ngầm” đã nổi – DNNN đụng đâu cũng thấy lỗTheo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, đến cuối năm 2012, tổng số lỗ phát sinh của các tập đoàn, tổng công ty khoảng 2.253 tỷ đồng; trong đó, 10 TĐ, TCT đã có lỗ lũy kế lên đến 17.730 tỷ đồng; tổng số nợ của khu vực DNNN đã lên tới 1.334.903 tỷ đồng, tương đương 63,5 tỷ USD. Với mức nợ và kết quả kinh doanh này, DNNN bị coi như là nguyên nhân quan trọng gây ra nợ xấu và những mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay.
Quá trình tái cơ cấu năm 2013 được Chính phủ đánh giá là “đã đi được hơn nửa chặng đường”. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tái cơ cấu thời gian qua mới chỉ là việc "thay một tấm áo mới" cho DN mà quên đi cách làm cho chiếc áo đó phù hợp với thực trạng từng DNNN; và “chậm hơn tốc độ dự kiến”.
4. Cơn bão nợ xấu và năm được mùa của Chính sách tiền tệ
Trên hết, năm 2013 là năm khá thành công của NHNN trong chống tình trạng đô la hóa. Giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch khá lớn với giá vàng thế giới quy đổi, nhưng thị trường vàng đã ổn định, “tâm lý vàng” của người dân cũng hạ nhiệt. Bên cạnh đó việc điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm khá thích hợp đã giúp cho các doanh nghiệp giảm áp lực rủi ro tỷ giá và quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ được chuyển hóa dần sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Thêm vào đó, việc điều hành tỷ giá phù hợp đã giúp thu hút dòng vốn FDI trở lại, giải ngân vốn FDI tăng mạnh, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối, nâng cao tiềm lực tài chính quốc gia.
5. NSNN chịu áp lực ngày càng tăng, dự địa tài khóa ngày càng thu hẹp
Năm 2013, lần đầu tiên Bộ Tài chính đã công khai bản tin nợ công thay vì bản tin nợ nước ngoài như trước đây. Mặc dù bản tin nợ công chưa phản ánh hết được tình hình vay nợ của quốc gia, nhưng cho thấy áp lực nợ lên Chính phủ tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Theo Ủy ban Kinh tế nếu tính cả nợ của các DNNN nợ công của Việt Nam có thể lên đến 95%GDP
Trong phiên họp tháng 10, Chính phủ đề nghị và được Quốc hội thông qua nâng tỷ lệ bội chi từ 4,8% lên 5,3%GDP vì hụt thu và công khai kế hoạch phát hành nợ để trả nợ cũ. Những ngày cuối cùng của năm MOF cho biết thu NSNN năm nay đạt dự toán và tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Nhiều địa phương cũng “ghi điểm” thu NS ở những ngày cuối.
Tuy nhiên, NSNN chắc chắn sẽ tiếp tục chịu sức ép từ giảm số thu thuế, thuế suất giảm, các khoản vay ưu đãi với mức lãi suất cao hơn do Việt Nam được nâng hạng - nước có thu nhập trung bình; qua đó dư địa tài khóa ngày càng thu hẹp.
6. FDI tăng mạnh, có sự chuyển dịch lớn
Năm 2013 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,628 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó gần 77% vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến. Ngoài ra, giải ngân vốn FDI cũng đạt được 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% với cùng kỳ năm 2012 góp phần tiếp tục cải thiện cán cân thanh toán vãng lai.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (Thái Lan vào ngành năng lượng – dự án lọc dầu ở Nhơn Hội và Nhiệt điện ở Quảng Trị; Hồng Kông đầu tư vào ngành dệt may) cũng đã tiến hành khảo sát đầu tư, dự kiến sẽ đổ lượng vốn lớn vào ngành công nghiệp Việt Nam nhằm tận dụng những ưu việt của thị trường trong nước và các ưu đãi khi Hiệp định TPP được ký kết và Cộng đồng kinh tế Asean được thông qua.
Khu vực FDI đã tạo ra thặng dự thương mại lớn trong năm nay qua đó giúp Việt Nam có được năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu. Nhưng, ngược lại khu vực trong nước giảm nhập khẩu cho thấy một thái cực khác là chúng ta “đang nghèo đi” và sự khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Nếu không được hỗ trợ, nguy cơ các doanh nghiệp Việt sẽ “bị bỏ lại sau” và bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi TPP bởi các doanh nghiệp FDI.
Năm 2013, người dân bắt đầu quen dần với các đợt điều chỉnh giá dịch vụ tiện ích: xăng dầu, điện, gas, dịch vụ y tế, thuốc, giáo dục…. Giá được điều chỉnh tiến sát với giá thị trường nhằm dần bỏ sự trợ cấp của Nhà nước, cũng như trợ cấp chéo giữa các ngành (Xăng dầu, điện – than – khí gas); hơn nữa, còn giúp tạo ra khoản tích lũy tái đầu tư ngành, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, và trang trải nợ nần.
Việc điều chỉnh giá đã dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI trong năm biến động thất thường, tuy nhiên vẫn được kiềm chế ở mức thấp nhờ tăng trưởng tín dụng chùng xuống, giá lương thực giảm và cầu nội địa yếu.
Mục tiêu duy trì đà phục hồi tăng trưởng GDP một cách bền vững sẽ đối mặt với trở ngại từ những cải cách cơ cấu diễn ra với tốc độ chậm do cầu trong nước yếu, do tái cơ cấu DNNN và nợ, do NSNN đang suy giảm.
8. Doanh nghiệp Nhà nước sắp bị giảm tầm ảnh hưởng
Từ năm 1990 đến nay, số lượng DNNN đã giảm từ 20 nghìn DN xuống còn khoảng 1.200 DN. Các DNNN đã được bán cho các nhà đầu tư, một số không nhỏ giải thể, phá sản.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, số lượng DNNN sẽ được giảm xuống còn khoảng 300 DN.
Các lĩnh vực sẽ có số DNNN giảm xuống bao gồm: Dầu khí, sản xuất điện, khai khoáng. Đây cũng là các lĩnh vực hiện đang mang nặng tính độc quyền.
Việc giảm dần vai trò của DNNN sẽ tác động đáng kể đến đời sống kinh tế xã hội và việc làm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mặc dù thu hẹp tầm ảnh hưởng của DNNN đối với nền kinh tế không đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò chủ đạo của các DNNN trong phát triển kinh tế nước ta. Vấn đề này đã được khẳng định tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2013.
Ban Biên tập