AEC: Cánh cửa mới cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh?
Cùng với TPP, việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế Asean trong thời gian tới hứa hẹn sẽ là một trong những cánh cửa mới giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh.
Theo tiến trình hội nhập, đến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ được thành lập. Đây là bước phát triển cao của quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế của 10 nước thành viên Asean. AEC được thành lập sẽ tạo ra nhiều cơ hội, cũng như không ít thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo TS Đặng Đức Long, Phó GĐ phụ trách Trung tâm thông tin kinh tế, Ban kinh tế TW, rất nhiều cơ hội lớn sẽ mở ra cho Việt Nam sau khi AEC được thành lập.
Cơ hội mở rộng thị trường
AEC ra đời mang lại nhiều cơ hội cho DN các nước Asean nói chung và doanh nghiệp VN nói riêng thông qua việc mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Asean, một thị trường rộng lớn với tổng GDP trên 2,7 tỉ USD; tăng trưởng trung bình 5% đến 6% mỗi năm; thu hút đầu tư nước ngoài năm 2012 là 110 tỉ USD; tổng trị giá giao dịch thương mại đạt 2,5 nghìn tỉ USD …
Sự ra đời của AEC sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng; tạo lập một khu vực thị trường và sản xuất thống nhất.
( Hội nhập trong ngành ngân hàng với Cộng đồng kinh tế ASEAN)
Cơ hội tăng cường xuất khẩu
Khi tham gia vào AEC, thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của VN sẽ ngày càng mở rộng. Thêm vào đó, VN sẽ có cơ hội thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt là từ các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn như Singapore, Indonesia…
Asean hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của VN và là động lực giúp nền kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua. So với năm 2002, thương mại hai chiều Việt Nam – Asean năm 2013 đã tăng 5 lần; chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước. Giai đoạn 2002-2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của VN sang Asean đạt 28,4%/năm và nhập khẩu đạt 27%/năm.
Khi AEC được hình thành, các doanh nghiệp VN có thể bán hàng sang Asean gần như bán hàng trong nước với mức thuế suất gần về 0%. Bên cạnh đó, các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục thông quan sẽ đỡ rườm rà hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo dự báo, trước thềm AEC, xuất khẩu của VN sang Asean sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với trên 99% dòng thuế của Asean 6 đã về mức 0% theo Hiệp định ATIGA.
Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Sau khi gia nhập AEC, doanh nghiệp VN sẽ có thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, khi thuế suất trong Asean giảm xuống 0%; các doanh nghiệp VN sẽ có điều kiện để giảm chi phí, giá thành sản phẩm; góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh.
Theo quy định của Asean, các sản phẩm sản xuất có tỷ lệ nội khối 40% được xem là sản phẩm vùng và sẽ được hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường khu vực.
Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài
Cơ hội lớn nhất mà VN có thể nhận được sau khi AEC được hình thành chính là khả năng thu hút đầu tư từ các nền kinh tế lớn và phát triển. Việc xây dựng một Asean thống nhất sẽ giúp các nhà đầu tư nhìn nhận Asean như một sân chơi chung, một công xưởng chung với nguồn nhân lực có kỹ năng và chi phí rẻ.
AEC cũng sẽ giúp VN cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh từ thủ tục hải quan, thủ tục hành chính tới việc tạo ra các ưu đãi đầu tư. Thu hút đầu tư nhiều hơn đồng nghĩa với quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh và tích cực hơn; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp; tạo đà cho nền kinh tế VN phát triển công bằng với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi AEC có hiệu lực. Cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ gay gắt hơn; phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như các phương thức kinh doanh ngày càng cao. Nếu không cạnh tranh tốt, một số ngành, sản phẩm sẽ phải thu hẹp sản xuất; thậm chí rút khỏi thị trường.
Do vậy, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế, chính sách để phù hợp với tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp VN cần chủ động tận dụng tốt hơn các cơ hội trước mắt. Theo đó, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, doanh nghiệp VN phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu; tạo giá trị gia tăng để tham gia các chuỗi sản xuất khu vực …
Chuẩn bị gia nhập AEC, VN đã giảm 98% số dòng thuế trong biểu thuế NK xuống mức 0-5%
Nguyệt Quế