Bà Phạm Chi Lan: Gia nhập WTO giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn lớn
Dự báo về nền kinh tế trong thời gian tới, bà Chi Lan tin rằng trong những năm tới nền kinh tế sẽ dần dần ổn định hơn và càng phát triển hơn một cách lành mạnh, vững chắc hơn.
Bên lề Hội thảo "Năm năm là thành viên WTO Việt Nam đã và sẽ ở đâu
trong quá trình hội nhập", bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia cao cấp, nguyên
Phó Chủ tịch VCCI đã có những chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức mà
chúng ta đã vượt qua trong 5 năm kể từ khi gia nhập WTO.
Theo
bà Chi Lan, nhìn lại cả một quá trình thì về mặt cơ hội, có lẽ Việt Nam đã tự mình vượt qua mình, xây dựng được nền kinh tế thị trường,
phát triển kinh tế trong nước cũng như phát triển các quan hệ kinh doanh
hết sức quan trọng từ bên ngoài để chớp lấy thời cơ thị trường, thúc
đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện nhập khẩu theo
hướng tìm kiếm thêm được các nguồn lực hỗ trợ cho nền kinh tế.
Riêng
về kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng những năm vừa qua rất ấn
tượng với mức tăng bình quân là hơn 17%/năm. Đặc biệt có những khu vực
mà ban đầu chúng ta chưa hình dung được là tăng trưởng tốt ví dụ như là
khu vực xuất khẩu nông sản thì trên thực tế lại rất thành công.
Trước
đó, có rất nhiều những mối lo ngại rằng khi dỡ bỏ trợ cấp của nhà nước
đối với xuất khẩu nông sản khiến nông dân gặp khó khăn. Tuy nhiên điều
đó đã không xảy ra mà ngược lại nông dân đã vượt được thách thức khá là
tốt cũng như vận dụng được thời cơ thị trường để phát triển. Đồng thời,
lại làm nền tảng cho ổn định kinh tế, ổn định xã hội khi nền kinh tế gặp
những khó khăn, thách thức do khủng hoảng từ bên ngoài xảy ra.
"Nền
tảng phát triển của nền kinh tế của chúng ta hiện nay đã nâng cao lên
rất rõ rệt. Năm vừa qua rất khó khăn và nếu không tham gia WTO thì thử
hỏi làm sao chúng ta vượt qua được khó khăn, thách thức ghê gớm như
vậy", bà nhận định.
Bà cho rằng, nhìn
chung năng lực cạnh tranh trên nhiều mặt thì chúng ta đã tạo lập được
cho mình. Số sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế
và có kim ngạch tăng cao đã vượt lên rất ấn tượng. Đến nay chúng ta đã
có 8 mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ usd /năm, bước tiến lớn
so với trước đây khi để tìm ra câu lạc bộ 1 tỷ đã là rất khó. Đây được
coi như là thành công vượt trội và đáng kể nhất.
Về
thách thức, bà Chi Lan nói thêm rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là khi
tham gia WTO nghĩa là chúng ta hội nhập toàn cầu nhiều hơn thì ảnh hưởng
tiêu cực của nó có thể dội vào trong nước nhiều hơn. Không may, chúng
ta giống như một con thuyền mới ra biển đã gặp ngay bão tố khủng hoảng
kinh tế toàn cầu, khủng hoảng môi trường, năng lượng, lương thực.
Cộng
thêm những yếu kém vốn có của nền kinh tế khi chưa thay đổi được mô
hình tăng trưởng, vẫn chạy theo số lượng, chạy theo tốc độ, chưa chú
trọng tới hiệu quả, chất lượng. Vì vậy, tác động từ bên ngoài dội vào
nặng nề hơn khiến tăng trưởng vài năm gần đây giảm xuống và gặp những
vđề vĩ mô nặng nề hơn so với những nước khác xung quanh cũng chịu cùng
tác động toàn cầu như vậy.
Dự báo về nền kinh
tế trong thời gian tới, bà Lan tin rằng trong những năm tới nền kinh tế
sẽ dần dần ổn định hơn và càng phát triển hơn một cách lành mạnh, vững
chắc hơn. Việc hội nhập quốc tế của chúng ta trong những năm tới ko phải
chỉ có phát huy cao nhất những gì WTO mang lại cho Việt Nam mà còn trên
cơ sở đó đẩy sâu vào các cuộc hội nhập quan trọng khác như TTP và một
loạt các FTA đã và sẽ có với các đối tác quan trọng khác, bà nói.
Phương Dung