MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học từ TP Hồ Chí Minh

Vì sao tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số của cả nước nhưng TPHCM lại đóng góp tới 22% GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước?

 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trong nhiều năm qua, TPHCM giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhưng nguyên nhân quan trọng là đã xây dựng và phát triển được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp mạnh. Hiện, Thành phố có khoảng 140.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1/3 số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước.

Để phát triển được đội ngũ doanh nghiệp như trên, bên cạnh những lợi thế có sẵn về địa lý, cơ sở hạ tầng hay lịch sử phát triển, thì một yếu tố rất quan trọng là tinh thần lắng nghe doanh nghiệp, luôn nỗ lực tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và hoạt động của lãnh đạo Thành phố.

Mới đây nhất, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND về việc triển khai các hiệp định này trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn và trên cơ sở này, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã 3 lần tổ chức hội thảo về vấn đề này với các doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy trong suốt 30 năm đổi mới, nhiều chương trình, mô hình thực hiện tại TPHCM đã được nhân rộng cả nước, như việc thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên (Ngân hàng thương mại cổ phần Eximbank), việc triển khai chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh - REE là một trong những doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên ngay từ năm 1991). Khu chế xuất Tân Thuận cũng là khu công nghiệp đầu tiên được thành lập tại Việt Nam vào năm 1991. Việc thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, sau này là Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM, đã khai trương cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động.

Còn hiện tại, theo đánh giá mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM là điển hình tốt trên cả nước trong việc triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đáng chú ý, Thành phố được ghi nhận là điển hình tốt ở cả 3 phương diện về mức độ quan tâm, xây dựng kế hoạch hành động và thực thi.

Công bố mới đây của VCCI về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cũng cho thấy Thành phố đã bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố (xếp thứ 4) có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Một công bố khác của Bộ Nội vụ cũng xếp Thành phố đứng thứ 6 cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

Điều rất đáng mừng là các thế hệ lãnh đạo tại TPHCM không thỏa mãn với những gì đã đạt được. Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X đã thông qua 7 chương trình đột phá liên quan đến các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Thành phố, trong đó có ít nhất 3 chương trình liên quan trực tiếp đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình cải cách hành chính và Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố.

Thế hệ lãnh đạo mới của Thành phố cũng đã thể hiện rõ quyết tâm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp triển khai Nghị quyết của Chính phủ và HĐND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 diễn ra ngày 30/12/2015, Phó Bí thư Thành ủy Võ Văn Thưởng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, những lĩnh vực cần phải chấn chỉnh ngay.

Trong đó, phải tập trung cải thiện tốt môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cũng theo ông Võ Văn Thưởng, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm nhiều mặt của cả nước, nếu không đóng góp hoàn thiện thể chế sẽ không hoàn thành vai trò cũng như sự kỳ vọng của cả nước đối với Thành phố.

Có thể nói, nền tảng “hạ tầng mềm” về cơ chế, chính sách chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến đầu tư nước ngoài vào TPHCM ngày càng tăng. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn cũng ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 850.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có khoảng 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thế nhưng con số này vẫn còn ít ỏi so với dân số trên 90 triệu dân và so với các nước tiên tiến. Nếu tính trung bình thì Việt Nam với tổng số dân trên 90 triệu cần phải có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Bài học rất rõ ràng từ TPHCM, là tỉnh, thành phố nào xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đông đảo, chất lượng thì nơi đó phát triển mạnh về mọi mặt, đóng góp nhiều cho đất nước không chỉ về ngân sách.

Theo CEO. Đặng Đức Thành

Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các Nhà Kinh tế (VEC)

 

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên