MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bám sát giá để quyết sản lượng khai thác dầu thô

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh hôm qua cho biết, tổ liên bộ, ngành: KH&ĐT, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã họp bàn các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt trước diễn biến giá dầu giảm.

Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trao đổi với báo chí về ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm và đối sách của Việt Nam.

Tăng trưởng phụ thuộc dầu thô

Tại cuộc họp Bộ trưởng cho rằng: Nếu giá dầu thô tiếp tục giảm dưới 60 USD/thùng, chúng ta có thể phải cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 30% so với hiện nay. Điều này có thể tác động tới kinh tế vĩ mô, khiến tăng trưởng GDP giảm từ 0,8-1,2%. Xin ông giải thích rõ hơn về điều này?

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua vẫn phụ thuộc 3 yếu tố chính, gồm: Khai thác tài nguyên để xuất khẩu (trong đó chủ yếu là dầu thô), tăng trưởng vốn, năng suất lao động. Nếu giá dầu tiếp tục giảm, giá thành khai thác của chúng ta cao hơn giá bán sẽ gây khó khăn cho khai thác dầu mỏ, sản xuất không có lãi. Lúc đó, chúng ta phải đặt vấn đề sẽ tiếp tục khai thác dầu khí như kế hoạch hay cắt giảm để đợi giá lên mới tăng sản lượng. Nếu chúng ta giảm 30% sản lượng khai thác, có thể giảm tăng trưởng GDP từ 0,8-1,2%. 

Giá dầu giảm không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, còn ảnh hưởng thu ngân sách nhà nước. Chúng ta đã xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2015 dựa trên giá bán dầu thô là 100 USD/thùng. Trong khi theo tính toán, nếu giá dầu thô giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ thất thu 1.000-1.200 tỷ đồng.

Do đó, Chính phủ đã thành lập Tổ điều phối trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, với sự tham gia của 4 bộ ngành (Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công Thương và NHNN). Tổ điều phối sẽ bàn thảo những kịch bản kinh tế; để khi kinh tế thế giới biến động mạnh ta có giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả để ít tác hại nhất. 

Sao phải lo khi giá dầu thế giới giảm?

Giá dầu thô xuống thấp, nằm ngoài dự báo, vậy điều hành của Chính phủ sẽ thế nào, đặc biệt là của Tổ điều phối?

Sự phối hợp giữa 4 bộ, ngành sẽ cung cấp thông tin ở nhiều góc độ và đầy đủ hơn. Từ đó những dự báo, kế hoạch trình lên Chính phủ sẽ có sức nặng hơn. Kinh nghiệm điều hành lạm phát năm 2013 cho thấy, khi phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, dự báo đưa ra sẽ đúng, là cơ sở đưa ra chính sách điều hành đúng.

Giá dầu giảm không chỉ là thách thức, đó cũng là cơ hội cho phát triển khi chi phí đầu vào cho sản xuất, vận tải… giảm, thưa ông? 

Tất cả chúng ta đều muốn giá giảm. Quy luật kinh tế là người bán muốn giá tăng, còn người mua muốn giá thấp. Giá dầu giảm mạnh sẽ tác động 2 chiều với Việt Nam, khi nước ta vừa xuất khẩu dầu thô, nhưng nhập khẩu sản phẩm xăng dầu; thậm chí lượng nhập còn lớn hơn xuất ra. Do đó, giá dầu giảm tác động tích cực cho khâu nhập khẩu. Quan trọng hơn, giá vận tải giảm, chi phí sản xuất cũng giảm khiến sức cạnh tranh tốt hơn và thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, giá dầu giảm phải nhìn dưới góc độ kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, thu ngân sách, chi tiêu người dân…). Chúng tôi đang bám sát diễn biến giá dầu để quyết định sản lượng khai thác dầu thô bao nhiêu; cần điều tiết hay không, điều tiết khu vực nào; tính phương án tăng thu để bù phần thiếu hụt nhằm đảm bảo thu ngân sách.

Cảm ơn ông.

Tại cuộc họp của Tổ liên ngành phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô sáng 17/12, các bộ trưởng tập trung thảo luận về: Tăng trưởng GDP, lạm phát, thu chi ngân sách nhà nước, đầu tư, tín dụng nhà nước, đầu tư của các loại hình doanh nghiệp, đối tác công-tư và tiêu dùng xã hội, tỷ giá… Trước xu hướng một số mặt hàng đang rục rịch tăng giá, các bộ ngành cũng cảnh báo và đề nghị kiểm soát xu hướng tăng, cân nhắc thời gian điều chỉnh giá mặt hàng nhạy cảm, như điện, xăng dầu…



Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tới thời điểm này có thể khẳng định GDP năm 2014 sẽ tăng hơn 5,9% (mục tiêu là tăng 5,8%); lạm phát ở mức khoảng 2%... Mục tiêu GDP năm 2015 khoảng 6,5 - 7% có thể đạt được.


>>>4 Bộ phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô

Theo L.H.Việt - Khánh Huyền

huongtt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên