MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Mỹ: Xuất khẩu Việt Nam "tỏa sáng" nhất Đông Nam Á

Với mức lương thấp, Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn đầu tư, vốn đang tìm các địa điểm sản xuất giá rẻ hơn để thay thế Trung Quốc - nơi giá nhân công đang nhanh chóng gia tăng.

"Một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay của các nền kinh tế ở châu Á là xuất khẩu của họ vẫn quá yếu, bất chấp dấu hiệu phục hồi đồng thời ở cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy vậy, báo Mỹ Wall Sreet Journal nói hãy loại Việt Nam ra khỏi lo ngại trên.

Theo WSJ, ngành xuất khẩu của Việt Nam trong 12 tháng qua, tính đến tháng 1-2014, đã vượt trội hơn hẳn so với các nước bạn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi các chuyến hàng xuất khẩu của nhiều thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vẫn thưa thớt.

Nhà kinh tế Trinh Nguyen tại HSBC nhận định: "Việt Nam đang hưởng lợi nhiều từ bối cảnh hiện tại của khu vực".

Với mức lương thấp, Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn đầu tư, vốn đang tìm các địa điểm sản xuất giá rẻ hơn để thay thế Trung Quốc - nơi giá nhân công đang nhanh chóng gia tăng. Tình trạng nhân khẩu học của Việt Nam đang rất hứa hẹn và tỷ lệ biết chữ tương đối cao sẽ tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng và tư duy phát triển nguồn nhân lực của công ty.

Và khi nước láng giềng Thái Lan đang gặp nhiều rắc rối về chính trị, Việt Nam xuất hiện như một "ngọn hải đăng" về tính ổn định, WSJ so sánh.

"Nếu bạn có một công ty nước ngoài đang cố gắng xuất khẩu sản phẩm, một trong những điều quan tâm của bạn là liệu nhà nhà cầm quyền có ổn định trong các chính sách hay không", WSJ trích lời bà Nguyen.

Nhu cầu nội địa của Việt Nam những năm qua gặp nhiều khó khăn, vì chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, vốn đã tăng vọt trên 20% tại thời điểm đó. Điều này giúp ngành xuất khẩu trở thành nhân tố tăng trưởng quan trọng. Với các các khối đầu tư khổng lồ vào Việt Nam, Intel, Samsung và nhiều tập đoàn lớn khác đã đẩy mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

Nhà kinh tế Devika Mehndiratta thuộc Ngân hàng ANZ nhận định: "Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ 2 xu hướng trong ngành sản xuất điện tử. Thứ nhất, trong khi nhu cầu ở Mỹ và châu Âu nhìn chung yếu thì doanh số bán hàng điện tử lại tăng mạnh ở Trung Quốc. Thứ hai, thậm chí ở Mỹ - nơi ngành nhập khẩu điện tử năm 2013 dường như giậm chân tại chỗ - thì ngành nhập khẩu các thiết bị biễn thông vẫn tăng trưởng, và thiết bị cầm tay là một trong những sản phẩm Việt Nam chuyên môn hóa”.

Bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế Trung Quốc, "quốc gia này cho đến nay đã chứng minh ít nhất nó có thể là nhân tố nhỏ trợ giúp cho ngành xuất khẩu Đông Nam Á, vì nhu cầu hàng điện tử của Trung Quốc khá cao", bà Mehndiratta nói. Hiện chỉ có 9% hàng xuất khẩu của Việt Nam nhập vào Trung Quốc, theo ANZ.

Trong khi đó, Mỹ chiếm gần 14% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam - tỷ lệ cao nhất tại châu Á - nhưng vẫn đứng sau Liên minh châu Âu, vốn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

WSJ dẫn lời kết của bà Mehndiratta: "Việt Nam tình cờ trở thành "điểm nóng" về điện tử. Trong 5 - 6 năm trở lại đây, ngành điện tử Việt Nam đã đạt thành tựu khá ấn tượng, từ xuất phát điểm gần như bằng 0".

Lượng xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đã tăng vọt gần 68% trong năm 2012 và tăng 35% trong năm 2013. Xuất khẩu điện thoại tăng 85% và 67% lần lượt trong thời điểm đó.

Tất nhiên, tốc độ này chắc chắn sẽ giảm và để lại nhiều thách thức cho Việt Nam. Việt Nam chỉ mới bắt đầu xóa nợ xấu trong hệ thống ngân hàng - một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian - và chính phủ phải đấu tranh để giữ nền kinh tế không tiếp tục trượt dài trong suy thoái, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể chớp lấy thị phần xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay, khi các công ty tăng cường tìm kiếm thị trường lao động thay thế Trung Quốc.

Chỉ số PMI xuất khẩu của Việt Nam cho thấy lượng sản xuất tăng cao và các kho hàng tồn vẫn ở mức thấp. Điều này có nghĩa là các đơn hàng mới nên nhanh chóng được đưa vào sản xuất. Ngân hàng ANZ dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20% trong năm 2014.

Với dân số khoảng 90 triệu dân, "con đường cho Việt Nam cải thiện thu nhập và tăng năng suất là cung cấp hàng hóa cho các nước giàu hơn", bà Nguyen nói. "Có thể thấy chiến lược đó không thể kéo dãi mãi mãi, cụ thể là ở Trung Quốc, nhưng ít nhất nó vẫn có thể thiếp tục trong thập kỷ tới".

Theo CHÂU LUÂN


thanhhuong

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên