MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu thiếu ủy viên Bộ Chính trị: “Trung ương cũng không hài lòng”

Trung tướng Phạm Hồng Cư có ý kiến đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát, hỗ trợ thực hiện NQ T.Ư 4.

Kết quả kiểm điểm theo tinh thần NQ T.Ư 4 và việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc là 2 chủ đề được cử tri quan tâm nhất trong cuộc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri chiều qua 13.5, tại Hà Nội.

Cử tri mong muốn đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4

Cử tri Lâm Thắng - phường Thành Công, Q.Ba Đình - phát biểu: Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm của Đảng và Nhà nước, Quốc hội là hết sức đúng đắn và đáng hoan nghênh, được người dân hết sức trông đợi. Ông Thắng cho rằng nếu làm tốt được việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp bộ máy các cơ quan nhà nước trong sạch hơn, cán bộ sẽ làm tốt vai trò là người đày tớ, công bộc thực sự của dân.

Tuy nhiên, vị cử tri già tỏ ra lo ngại sự không minh bạch trong việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ. Ông dẫn việc kiểm điểm theo tinh thần NQ T.Ư 4 vừa qua, có những cán bộ vi phạm lẽ ra phải bị kỷ luật, nhưng rồi cuối cùng lại được xuê xoa.

Ông cũng dẫn chứng một vụ việc vừa xảy ra, đó là ở một trường ĐH lớn tại Hà Nội, khi hiệu trưởng vừa nghỉ thì ông hiệu phó liền tổ chức một bữa đại tiệc ở một nhà hàng lớn để vận động và gửi quà đến tất cả những người được bỏ phiếu để bỏ cho mình”, đồng thời ông Thắng cũng cảnh báo việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm không cẩn thận sẽ dẫn đến việc những người năng lực chuyên môn yếu, suy thoái về phẩm chất chính trị lấy đó làm bùa hộ mệnh của mình.

Trung tướng Phạm Hồng Cư có ý kiến đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát, hỗ trợ thực hiện NQ T.Ư 4. Dẫn lại vụ án Trần Dụ Châu, Trung tướng Cư cho rằng, việc thực hiện NQ T.Ư 4 đã đạt một số kết quả, nhưng ông cho rằng cần phải làm “kiên quyết hơn nữa”, bởi NQ T.Ư 4 thực hiện tốt thì Đảng mới trong sạch, Nhà nước mới vững mạnh, mới vì dân.

Cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh) cho rằng việc tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là hết sức cần thiết và được đông đảo người dân ủng hộ. “Đương nhiên cũng có một số ý kiến phản đối, nhưng chúng ta đều biết đó là ai, đó là những kẻ phản động, những kẻ cơ hội chính trị,...

Vậy, dù có vài chục nghìn, vài trăm nghìn ý kiến phản đối vai trò lãnh đạo của Đảng, thì cũng chẳng thấm vào đâu so với 90 triệu người dân Việt Nam đồng lòng đứng dưới ngọn cờ của Đảng...” - ông Quy nói. Tuy nhiên, ông Quy cũng đề nghị Đảng không nên chủ quan, mà cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện NQ T.Ư 4 để làm trong sạch bộ máy nhà nước, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng khỏi bộ máy chính quyền.

Cuối năm sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng

Tổng Bí thư đánh giá cao những ý kiến đóng góp của cử tri, ông khẳng định những ý kiến này đều rất tâm huyết, trí tuệ và có trách nhiệm cao đối với những công việc quan trọng, có tính thời sự đối với nội dung kỳ họp cũng như công việc chung của đất nước.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH tới, Tổng Bí thư bày tỏ thông cảm với những băn khoăn của cử tri. Theo ông, đây là chủ trương mới, luật quy định nhưng nhiều năm chúng ta chưa làm. “Việc lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức răn đe, cảnh tỉnh đối với những cán bộ sai phạm. Nếu không biết sửa sai, để đến lúc bỏ phiếu tín nhiệm thì sẽ là bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm”. Tổng Bí thư cho biết, cuối năm nay Đảng cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng để kịp thời cảnh tỉnh, răn đe.

 Lo vì có khi người tốt nhưng phiếu lại thấp, cho nên phải làm sao đảm bảo kết quả bỏ phiếu chính xác. Tổng Bí thư cũng nói đến trách nhiệm của đại biểu là rất lớn, vì vậy, phải trong sáng, công tâm và đủ thông tin, bởi có khi “đang là người tốt nhưng chỉ vì một thông tin trên mạng dựng chuyện bôi nhọ xuyên tạc, cho nên nếu không kiểm chứng thông tin sẽ rất nguy hiểm”.

Theo Đào Tuấn

thanhhuong

Lao động

Trở lên trên