Bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam: Đừng chỉ tranh cãi, hãy hành động
"Phát triển thực sự là tạo ra sự giàu có không chỉ từ các lợi thế sẵn có mà phải dựa vào nỗ lực con người trong việc tư duy đúng đắn, nâng cao kỹ năng, tri thức và đổi mới công nghệ."
Bẫy thu nhập trung bình là một khái niệm nghe đầy nguy hiểm tạo nên cảm giác trì trệ khi nhắc đến. Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, có một nỗi lo cho những người làm chính sách là chúng ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa? Điều này đã được thảo luận tại rất nhiều hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu nhưng dường như vẫn chưa thể đi đến một kết luận cụ thể.
Những tranh cãi về thu nhập của Việt Nam
Theo phân tích dữ liệu của 124 quốc gia từ năm 1950 – 2010 do Felipe, Abdon và Kumar thực hiện năm 2012, trường hợp một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp trong 28 năm hoặc nhiều hơn, hoặc một quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao trong 14 năm hoặc nhiều hơn có nghĩa là quốc gia đó đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Còn World Bank cho rằng Việt Nam vừa đạt được mức thu nhập trung bình thấp, còn quá sớm để nhận định rằng Việt Nam đã mắc bẫy thu nhập trung bình.
Tại Hội thảo “Tiếp cận bẫy thu nhập trung bình và gợi ý chính sách công nghiệp cho Việt Nam” do Viện kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 12/12/2014, Giáo sư Kenichi Ohno (Grips &VDF) nêu lên định nghĩa của mình: Một quốc gia rơi vào bẫy nếu đạt được mức thu nhập dựa trên những lợi thế sẵn có tương ứng (tài nguyên thiên nhiên, mở cửa thương mại, FDI, ODA, các dự án lớn…) nhưng không thể tăng trưởng ở mức cao hơn do người dân quốc gia đó không thể tự tạo ra giá trị.
Theo giáo sư Ohno, phát triển thực sự là tạo ra sự giàu có không chỉ từ các lợi thế sẵn có nói trên mà phải dựa vào nỗ lực con người trong việc tư duy đúng đắn, nâng cao kỹ năng, tri thức và đổi mới công nghệ.
“Không cần đợi 28 năm hay 14 năm mà ngay lúc này cũng có thể biết một quốc gia đã tạo ra được giá trị hay chưa, người dân, Doanh nghiệp đã tạo được giá trị hay chưa?” - Giáo sư Ohno nhận định – “Việt Nam chưa có nỗ lực tạo ra giá trị” hay nói cách khác, bẫy thu nhập trung bình đang ở ngay trước mắt Việt Nam.
Có thể thấy khá rõ, vào năm 2008, Việt Nam gia nhập các quốc gia có mức thu nhập thấp nhưng từ đó đến nay, tăng trưởng chậm hơn, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu và nảy sinh nhiều vấn đề do tăng trưởng. Những vấn đề do tăng trưởng đó có thể kể ra như chênh lệch giàu nghèo ngày càng rõ, bong bóng chứng khoán và bất động sản, hủy hoại môi trường, tham nhũng…. Giá đất ở Hà Nội tương đương với vùng ngoại ô của Tokyo trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/30 của Nhật Bản.
Đừng tranh cãi, hãy hành động
Dù cũng còn chưa đồng tình với nhiều ý kiến về định nghĩa bẫy thu nhập trung bình, nhưng theo Giáo sư Ohno, điều quan trọng không phải là tranh cãi xem Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa mà Chính Phủ cần có hành động và quyết định cụ thể.
Diễn đàn phát triển GRIPS và Diễn đàn phát triển Việt Nam đã đến nhiều nước châu Á và châu Phi để nghiên cứu về chất lượng chính sách. Khi nhắc đến châu Phi, nhiều người sẽ nghĩ đến một vùng đất lạc hậu đói nghèo. Nhưng những nghiên cứu về chính sách của 2 tổ chức quốc tế này cho biết, không phải lúc nào châu Á cũng vượt trội hơn châu Phi. Một số quốc gia ở châu Phi có chính sách công nghiệp tốt hơn Việt Nam (Mauritius, Rwanda, Ethiopia… và cũng có thể là Tinisia&Zambia).
Chính vì vậy, theo giáo sư Ohno, việc tạo dựng giá trị bởi con người và các Doanh nghiệp Việt Nam phải được xem là mục tiêu trọng tâm của các chính sách và “Nên bắt đầu bằng việc hoàn thiện chính sách FDI, Doanh nghiệp vừa và nhỏ và chính sách liên kết”.
Vị giáo sư của GRIPS và VDF nhận định, 3 hành động cần thiết đối với Chính Phủ Việt Nam lúc này là tạo dựng nguồn lực tăng trưởng; Giải quyết những vấn đề do tăng trưởng gây ra; Quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đi cụ thể vào việc tạp dựng nguồn lực, giáo sư cho rằng trong 3 cấu phần của nguồn lực tăng trưởng: sự năng động của khu vực tư nhân, sự nhanh nhạy và năng động của lãnh đạo quốc gia, việc học tập các công cụ chính sách thì 2 yếu tố đầu tiên không dễ dàng thay đổi trong thời gian ngắn. Nhưng thành phần thứ ba, tức công cụ chính sách có thể được học tập và cải thiện trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Vì vậy, nên bắt đầu bằng việc học hỏi công cụ chính sách.
Dẫn chứng từ các nước đi sau đã có chính sách tốt để đạt được mức thu nhập cao là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Giáo sư Ohno khẳng định, đối với các quốc gia đang phát triển hiện nay, chất lượng chính sách là nhân tố chủ chốt giúp các nước này vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chính sách quan trọng nhất là nâng cao năng lực của con người và doanh nghiệp.
“Tại sao chính sách của Việt Nam tồi như thế mà Nhật bản vẫn đầu tư? Do doanh nghiệp Nhật Bản nhận định nhu cầu tại đây vẫn tăng và Việt Nam có lợi thế lao động giá rẻ. Tuy nhiên nếu không cải thiện môi trường kinh doanh và chính sách thì những lợi thế này sẽ mất đi nhanh chóng.” – giáo sư Ohno khẳng định.
>>> Việt Nam phải nâng cao năng lực sáng tạo để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Mỹ Hà