MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn AEC – Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất!

Không giống FTA giữa Việt Nam và một quốc gia/khu vực kinh tế ngoài ASEAN, AEC đặt ra cho Việt Nam thách thức trong cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà và “giữ chân” dòng vốn FDI cả nội khối lẫn bên ngoài khối.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập cuối năm 2015 nhằm tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN.

Cũng như nhiều hiệp định tự do khác, AEC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận hàng hóa rẻ hơn, vốn đầu tư từ bên ngoài vào dồi dào hơn... Tuy nhiên, không giống như FTA giữa Việt Nam và một quốc gia hay một khu vực kinh tế bên ngoài ASEAN, AEC đặt ra cho Việt Nam thách thức không nhỏ trong “giữ chân” dòng vốn đầu tư nước ngoài ngoài cả nội khối lẫn bên ngoài khối.

Một thị trường đơn nhất và một không gian sản xuất chung

Việc thực hiện hóa cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, theo đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN. Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN bao gồm 5 yếu tố cơ bản: chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề; chu chuyển tự do hơn nữa các dòng vốn và dòng đầu tư.

Hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ từng bước bị xóa bỏ. Các nhà đầu tư ASEAN sẽ được tự do đầu tư vào tất cả mọi lĩnh vực trong khu vực. Các chuyên gia và lao động có tay nghề sẽ được luân chuyển tự do trong khu vực. Những thủ tục hải quan và thương mại khi đã được tiêu chuẩn hóa hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch.

Hiện Việt Nam đã hoàn thành việc đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với khỏng 80% dòng thuế, đến ngày 1/1/2015 sẽ xóa bỏ thêm 13-15% dòng thuế, khoảng 7% dòng thuế còn lại sẽ thực thi linh hoạt cho đến năm 2018.

Một thị trường hàng hóa và dịch vụ thống nhất sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới sản xuất trong khu vực, nâng cao năng lực của ASEAN với vai trò là một trung tâm sản xuất toàn cầu đáp ứng yêu cầu đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bí ẩn AEC – Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất


Dĩ nhiên, ở góc độ lạc quan, khi Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đã “sẵn sàng” đón nhận AEC thì thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp ưu tiên tham gia hội nhập như: nông nghiệp, hàng không, ô tô, điện tử, ngư nghiệp, chăm sóc sức khỏe, cao su, dệt may và thời trang, du lịch, nghành công nghiệp gỗ và các dịch vụ logistics khác…

Sự hội nhập sâu rộng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội về thị trường hơn do chi phí lưu chuyển hàng hóa giảm xuống mức thấp. AEC cũng giúp lao động có tay nghề, chuyên môn cao của Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm hơn nữa.

Nhưng mục tiêu của AEC không chỉ là tiếp cận thị trường riêng lẻ mà là sự kết nối thành “một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất” – có thuế quan chung đối với ngoài khối và dịch chuyển tự do lao động và vốn trong nhóm. Đây là lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp, nhưng nó đặt ra không ít nguy cơ cho chính doanh nghiệp giữ thị phần và lãnh đạo các địa phương trong nhiệm vụ giữ chân nguồn vốn FDI. Bởi:

(i) Nền kinh tế nếu chỉ dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, công nghệ thấp sẽ đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ với các nước trong khối.

Lao động kỹ năng thấp đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động của Việt Nam khiến Việt Nam không dễ thoát khỏi việc trở thành “đại công xưởng” gia công. Điều này đồng nghĩa Việt Nam có thể yếu thế cạnh tranh so với các đối thủ trong nội khối về chất lượng hàng hóa và quy mô thị trường cũng như nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn cho các doanh nghiệp cùng ngành từ các nước trong khối Asean.

Những đối thủ mới được phép mở rộng hoạt động trong ASEAN đặt các nhà xuất khẩu ở Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các thị trường lớn hơn cũng như nguy cơ cao bị đẩy khỏi thị trường trừ khi có những cải thiện đáng kể về chất lượng và đột phá trong sản xuất.

Dễ thấy điều này bởi làn sóng đầu tư từ Thái Lan đổ vào Việt Nam ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có điểm chung mà các Tập đoàn từ Thái đầu tư vào Việt Nam đưa ra là “đón đầu cơ hội từ AEC”.

(ii) Lao động giá rẻ, chi phí tài nguyên rẻ, ưu đãi thuế sẽ không còn là “bí quyết” để thu hút FDI ngoài khối khi mà các nước láng giềng trong nội khối cũng đang có những lợi thế tương tự. Chính các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã và đang tìm kiếm “cơ hội vàng” đầu tư vào các nước láng giềng, điều gì có thể chắc chắn rằng “họ” không phải là đối thủ của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút FDI thời gian tới?

(iii) Sự dịch chuyển của lao động có kỹ năng của Việt Nam sang các nước láng giềng Asean với mức lương cao hơn do số người có trình độ tham gia vào khu vực công nghiệp, dịch vụ đang phát triển ít hơn.

Thay lời kết, dẫn lời của Ts. Lê Đăng Doanh trong bài trình bày tại diễn đàn “Tư vấn quản trị 2014” do MBA- MCI tổ chức tại ngày 30/10/2014 cho rằng, AEC mang đến cho Việt Nam cơ hội về thị trường được mở rộng một cách mạnh mẽ, chi phí đầu vào thấp hơn, cơ hội đầu tư nhiều hơn nhưng Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn trên sân nhà. Các hãng phân phối ASEAN đã chuẩn bị để chiếm lĩnh thị trường và thực sự đe dọa sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam.

Ts. Lê Đăng Doanh khuyến nghị rằng, cải cách kinh tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế ở cấp quốc gia, ngành, doanh nghiệp là mệnh lệnh của cuộc sống để vươn lên trong AEC.

Thanh Giang

quynhnn

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên