MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến động tỷ giá của Trung Quốc là “liều thuốc độc” cho TPP?

Diễn biến mất giá của nhân dân tệ và nhiều đồng tiền khác mang lại cho giới chức Mỹ cái cớ mới để đưa vấn đề kiểm soát thao túng tiền tệ lên bàn đàm phán. Điều này khiến cho triển vọng hoàn tất việc đàm phán TPP vốn đã khó khăn lại càng thêm u ám.

Theo ước tính của Viện Peterson về kinh tế quốc tế, trong nhiều năm qua, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác (Singapore, Malaysia, Nhật Bản - những nước được cho là thao túng đồng tiền của mình để hỗ trợ cho xuất khẩu) khiến nền kinh tế Mỹ mất khoảng từ 2,3-5,8 triệu việc làm.

Đây là căn cứ để các thành viên của lưỡng Đảng tại Mỹ ủng hộ mạnh mẽ đối với việc đưa ra các quy định về thao túng tiền tệ khi xem xét các Hiệp định thương mại tự do.

Với diễn biến mới nhất của đồng Nhân dân tệ, một nghiên cứu cho thấy việc nhân dân tệ mất giá 10% sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm 0,32%, gia tăng thâm hụt thương mại thêm 44 tỷ USD và khiến nền kinh tế này mất khoảng 430.000 việc làm trong 2-3 năm tới.

Bên cạnh đó, dù Trung Quốc chưa phải là thành viên của khối TPP, quan ngại liên quan đến tác động “phá giá dây chuyền” sau chính sách tỷ giá của Trung Quốc đối với một số quốc gia thành viên của TPP (Việt Nam, Malaysia…) khiến cho lập luận ủng hộ việc đưa quy định về kiểm soát “thao túng tiền tệ” được nêu lên lần nữa.

Thao túng tiền tệ

Có thể thấy, yếu tố tỷ giá là yếu tố rất quan trọng đối với tình hình thương mại và tăng trưởng kinh tế giữa hai nền kinh tế trong điều kiện hội nhập toàn cầu như hiện nay.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng việc đưa yếu tố kiểm soát “thao túng tiền tệ” vào một hiệp định thương mại tự do không khác gì là một “liều thuốc độc” có thể khiến cho mục đích sau cùng của tự do hóa thương mại bị phá vỡ.

Về bản chất, áp đặt các quy định về kiểm soát “thao túng tiền tệ” không chắc sẽ cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài tại Mỹ. Bởi nguyên nhân sâu xa không đến từ tỷ giá, mà đến từ đặc trưng vay nợ và tiêu dùng của nền kinh tế này.

Hơn nữa, với quy mô của TPP và đặc thù về kinh tế cũng như cơ chế tỷ giá của 12 nước trong khối này, việc đưa quy định về kiểm soát “thao túng tiền tệ” có thể khiến cho các quốc gia còn lại không còn muốn đàm phán với Mỹ.

Một thực tế tiếp theo là sau khi Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá hối đoái theo hướng thả nổi có kiểm soát, diễn biến giảm giá của đồng nhân dân tệ có vẻ đang đi ngược lại với cáo buộc của Mỹ rằng nước này đang định giá thấp đồng tiền của mình.

Như vậy, dù được nhiều người ủng hộ, Mỹ - quốc gia đã khởi xướng TPP - rất có thể sẽ thất bại hoàn toàn nếu tính đến phương án đưa quy định về kiểm soát “thao túng tiền tệ” lên bàn đàm phán TPP.

Điều gì là thiết thực cho Việt Nam?

Để xác định xem liệu triển vọng ký kết TPP có bị ảnh hưởng với những lập luận mới được đưa ra hay không, cần lại lại thời điểm giữa năm khi các nhà lập pháp Mỹ bỏ phiếu dự luật “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA). Đây còn được gọi là quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống.

Trong lần bỏ phiếu này, điều khoản sửa đổi liên quan đến việc chống thao túng tiền tệ do nghị sĩ Stabenow và Portman đề xuất đã vấp phải phản đối với kết quả sát nút (48 phiếu thuận và 51 phiếu chống).

Như vậy, điều tích cực là dự luật TPA đã được thông qua và có hiệu lực đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP.

Hiện tại, thời gian thích hợp để hoàn tất hiệp định TPP trong năm 2015 đã đi qua sau khi các bộ trưởng kết thúc vòng đàm phán cuối tháng 7/2015 vừa qua mà chưa giải quyết được những bất đồng còn tồn tại.

Làn sóng phản đối TPP tại nhiều nước và lịch trình của các cuộc bầu cử quan trọng tại Canada và Mỹ sẽ là rào cản khiến tiến trình đàm phán TPP tiếp tục chậm trễ. Như vậy khả năng cao là kết thúc năm 2015, quá trình đàm phán TPP sẽ còn dang dở.

Hiệp định TPP không đơn thuần mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, cũng vì lý do đó mà nhiều ý kiến ủng hộ và phản đối TPP vẫn còn dai dẳng.

Theo quan điểm của RongViet Research, việc Việt Nam chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện trong TPP sẽ thiết thực cho nền kinh tế hơn là thời điểm khi nào TPP sẽ được ký kết.

Theo THẢO MAI

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên