MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương “vẽ đường” cho doanh nghiệp

“Trong khi 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN AEC sẽ được hình thành, 80% DN Việt Nam vẫn chưa biết gì về lợi ích do AEC mang lại. Đây thực sự là vấn đề đáng lo” – Một đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Hình thành thị trường chung sau 2015

Năm 2003, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã tuyên bố thiết lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2003 với tầm nhìn xây dựng một cộng đồng ASEAN thân thiện, thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng và cùng hợp tác phát triển năng động. 

Sau đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định quyết tâm này vào năm 2007, đồng thời đẩy nhanh thời điểm hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Bên cạnh các trụ cột về Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là trụ cột về kinh tế nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung một không gian sản xuất đơn nhất của khu vực sau khi hình thành.

ASEAN đã và đang thành công trong việc thu hút đầu tư và tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do với một số đối tác thương mại lớn, hội nhập khu vực với nền kinh tế toàn cầu.

 Nhiều hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác thương mại trong khu vực đã có hiệu lực nhằm khai thác tiềm năng to lớn về hợp tác và tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư giữa ASEAN với các đối tác.

Cùng với việc chuẩn bị các yếu tố cấu thành Khu vực thương mại tự do ASEAN, ASEAN cũng đang thúc đẩy các sáng kiến về thuận lợi hóa thương mại để hỗ trợ quá trình cắt giảm thuế quan.

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong ATIGA, các nước ASEAN 6 gồm Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái lan đã xoá bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2010.

Các nước thành viên mới trong đó có Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan vào năm 2015 với một số linh hoạt đến năm 2018.

Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN sẽ xoá bỏ hàng rào phi thuế quan theo ba gói với thời gian quy định cụ thể tại Điều 42 của Hiệp định như sau:

Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái lan xoá bỏ lần lượt vào các năm 2008, 2009 và 2010;

Philippines xoá bỏ lần lượt vào các năm 2010, 2011, 2012;

Các nước CLMV xoá bỏ lần lượt vào các năm 2013, 2014, 2015, có linh hoạt tới năm 2018.
Giai đoạn hậu AEC, Việt Nam có cơ hội xuất khẩu mạnh hơn vào các nước CLM khi các rào cản thuế quan và phi thuế quan đều đã được loai bỏ theo ATIGA.

Bên cạnh các cơ hội từ Hiệp định ATIGA doanh nghiệp còn có những cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand. 

Do đó, không chỉ trao đổi thương mại nội khối trong khu vực ASEAN tăng mà đầu tư nội khối và đầu tư từ những nước đối tác này cũng sẽ tăng. Đây chính là những nhân tố chính và quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN thời gian tới.

Tuy nhiên, “Có tới gần 80% doanh nghiệp được hỏi chưa biết rõ hết về lợi ích mà ASEAN mang lại cũng như thách thức đặt ra. Trong khi doanh nghiệp là chủ thể rất quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng chung ASEAN. Đây là vấn đề thực sự đáng lo ngại.”  - Vụ phó Vụ xuất nhập khẩu  Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Phải chủ động nắm lấy cơ hội xuất khẩu

Theo bà Phạm Thị Hồng Thanh – Vụ phó Vụ Châu Á – TBD (Bộ Công Thương),  trong cơ cấu hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loai, gạo… 

Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nêu trên (chủ yếu là nhóm hàng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI), trong ngắn hạn, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam lưu ý những cơ hội xuất khẩu vào các thị trường sau đây:

Một là tận dụng Bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu với Lào, Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia; lợi thế của hàng Việt Nam tại hai thị trường này và Myanmar để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ hai, khu vực Đông Bắc Thái Lan, giáp Lào với thị trường trên 20 triệu dân (nơi tập trung nhiều Việt Kiều) là một thị trường mới doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu thúc đẩy. Hàng Việt Nam (thực phẩm, đồ xây dựng, chè, cà phê, thủ công mỹ nghệ, lụa tơ tằm…) được đánh giá phù hợp về chất lượng và giá cả trong khi ngành sản xuất của Thái Lan trong thời gian qua chịu ảnh hưởng do chính trị bất ổn.

Thứ ba, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận nông sản với Malaysia nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia (T4/2014). Trong thời gian tới, hai bên sẽ trao đổi để ký kết Bản thỏa thuận thương mại gạo… do đó đây cũng là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, để duy trì và phát triển bền vững hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp cần phải hoạch định chiến lược kinh doanh ngắn hạn (tiến tới cộng đồng kinh tế ASEAN 2015) và dài hạn, có thể là đến 2020. 

Theo bà Thanh, những căn cứ để các doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh cho sát thực tế và cụ thể gồm: Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2015, 2020; Nghị định 12/2006/NDDCP về quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Úc; ASEAN – Nhật Bản… cũng là những nhân tố cực kỳ quan trọng mà các doanh nghiệp cần tính tới khi lập chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.

“Khi hoạch định chiến lược, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu chiến lược dài hạn và mục tiêu cụ thể cho từng năm. Đây là một vấn đề rất quan trọng của hoạch định chiến lược, vì đây là cái đích mà các biện pháp chiến lược cần đạt tới, tránh trường hợp đưa ra mục tiêu chung chung không rõ ràng, khó xác định việc hoạch định chiến lược sẽ không đạt được hiệu quả.” – Bà Thanh nhấn mạnh. 

Cũng theo bà Thanh, để mở rộng xuất khẩu, DN cũng nên tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại bằng cách tự thành lập đoàn khảo sát thị trường để tiến hành khảo sát hoặc tham gia các đoàn khảo sát thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh thành, các tổ chức hỗ trợ phát triển thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức.

Ngoài ra, DN nhất định nên tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; Thực hiện chiến các chiến lược quảng cáo;thậm chí là nên “dũng cảm” mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu.

Thực tế cho thấy hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa mở được văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại các nước hoặc các cửa khẩu biên giới. Điều này làm hạn chế quá trình thu thập thông tin giao dịch và hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp. 

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng các DN nên mạnh dạn thiết lập hiện diện thương mại tại các thị trường. Cụ thể, “Trước mắt nên lựa chọn các trung tâm thương mại lớn, mà tại đó hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường để thiết lập mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Sau đó  tiếp tục củng cố vị thế, từng bước mở rộng quy mô và phạm vi, vươn ra các địa bàn khác.” – Vụ phó Vụ Châu Á – TBD khuyến nghị.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên