MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT giảm 1/3 công suất dự kiến dự án sân bay Long Thành giai đoạn I

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa yêu cầu xem xét lại tổng mức đầu tư dự án theo hướng tối thiểu với phương án giai đoạn 1 sẽ giảm công suất từ 25 triệu hành khách/năm như dự kiến xuống còn 17 triệu.

Bộ GTVT cho biết, trong cuộc họp bàn về dự án  xây dựng sân bay Long Thành – Đồng Nai chiều 27/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng công ty hàng không Việt Nam ACV xem xét, rà soát lại tổng mức đầu tư dự án khi chỉ xây dựng một đường băng và công suất giai đoạn 1 của sân bay Long Thành là 17 triệu hành khách/năm.

Bộ trưởng yêu cầu ACV cần làm rõ hơn sự cần thiết phải đầu tư dự án, trong đó lý giải cụ thể có tính thuyết phục lý do đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành ở quy mô tối thiểu.

Quyết định của bộ trưởng Thăng được đưa ra sau khi Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh đề xuất ý kiến đối với sân bay có công suất 10 triệu hành khách/năm thì phải xây dựng hai đường băng, nhưng vì sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành chỉ cách nhau 40km đường chim bay nên có thể dự bị cho nhau. Do đó, trong giai đoạn 1, Long Thành có thể chỉ xây dựng 1 đường băng. 

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn một của dự án là từ 2011-2020. Giai đoạn này sẽ xây dựng cảng hàng không quốc tế có công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; với hai đường băng cất, hạ cánh song song với diện tích trên 2.500ha, tổng mức đầu tư trên 7 tỷ USD.

Giai đoạn hai của dự án (từ năm 2020-2030) sẽ xây dựng thêm ba đường cất, hạ cánh song song, trên diện tích 5.000ha. Giai đoạn ba hoàn thiện dự án sẽ có bốn đường băng cất, hạ cánh song song.

Tại phiên họp thứ hai vừa diễn ra mới đây của Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, hội đồng (gồm 16 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ tịch, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan) đã thống nhất chọn phương án này thay cho phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hoặc mở rộng, cải tạo căn cứ không quân Biên Hòa. 

Cụ thể, chi phí xây dựng mới sân bay tại Long Thành (giai đoạn I) vào khoảng 5,6 tỷ USD. Trong khi đó, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần tới 9,15 tỷ USD và di dời một lượng dân cư khổng lồ lên tới 140 nghìn hộ.

Còn phương án chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay dân sự dù chi phí xây dựng thấp hơn nhưng sẽ chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 4,6 tỷ USD, chi phí tẩy độc Dioxin cũng rất lớn. Ngoài ra lại phải bố trí thêm một căn cứ không quân thay thế. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đang eo hẹp, kinh tế khó khăn mà phải bỏ ra gần 8 tỷ USD cho giai đoạn I, quy mô xây dựng lên tới 5.000 ha cần nghiên cứu kỹ lưỡng để việc đầu tư có tính khả thi. Do đó Bộ trưởng Vinh đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập báo cáo đầu tư cụ thể.

Trước đó, phát biểu trước Quốc Hội về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng cho biết: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm kinh tế và có nhu cầu vận tải hàng không lớn nhất của cả nước, đòi hỏi phải có cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trung chuyển quốc tế và nội địa."

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên