Huyện có 2/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng', nỗ lực giải phóng mặt bằng khai mở 'kho báu', quyết tâm lên thị xã và thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia
Một huyện vùng Tây Nguyên đang nỗ lực giải phóng mặt bằng khai thác kho báu.
- 26-06-2024Một lĩnh vực tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
- 26-06-2024Tăng lương phải kiểm soát lạm phát
- 26-06-2024Đà Nẵng chờ cơ hội lớn
Huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) có 2/3 diện tích nằm trên bô xít
Việt Nam có trữ lượng bô xít lớn thứ 2 thế giới, khoảng 5,8 tỷ tấn (theo dữ liệu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ). Trong đó, tỉnh Đắk Nông đứng đầu cả nước về trữ lượng bô xít. Bô xít ở Đắk Nông chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh.
Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quyết định 866), Đắk Nông tiếp tục đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít gần 1,8 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng). Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này khoảng 179.600 hecta, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước.
Trong khi đó, Đắk R'lấp là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Đắk Nông và của Tây Nguyên, nơi đang có dự án khai thác quặng bô xít, chế biến Alumin. Theo định hướng của tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk R'lấp xác định một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành công nghiệp bô xít- nhôm gắn với phát triển kinh tế bền vững.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông, quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít đang chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của huyện Đắk R'lấp. Đây là địa phương duy nhất đến thời điểm này của tỉnh Đắk Nông được khai mở "kho báu" bô xít. Nhờ khai thác bô xít, những năm qua địa phương phát triển rất mạnh trên mọi lĩnh vực.
Hiện nay, huyện đã nỗ lực giải phóng mặt bằng để khai thác bô xít. Tại Cuộc họp tiếp tục tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, UBND huyện Đắk R'lấp cho biết, dự kiến thời gian tới, huyện sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn khoảng 965 ha.
Trong đó: khai trường năm 4-6 còn lại 7,63 ha; khai trường năm 7 – 8 diện tích 117,5 ha; khai trường năm 9-10 diện tích 124 ha; khu công nghiệp Nhân Cơ giai đoạn 2 (400ha)...
Quyết tâm xây dựng huyện Đắk R'lấp thành thị xã vào năm 2025
Theo UBND huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông), căn cứ chủ trương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện quyết tâm xây dựng Đắk R'lấp thành thị xã vào năm 2025.
Huyện Đắk R'lấp định hướng trở thành thị xã với 11 đơn vị hành chính, gồm 6 phường, 5 xã. Để được công nhận là thị xã vào năm 2025, huyện đã và đang chú trọng đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng giao thông nội thị; quy hoạch xây dựng khu dân cư, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; chỉnh trang đô thị,…
Về lộ trình đầu tư, dựa trên 6 tiêu chí chuẩn của đô thị loại 4, huyện đã xây dựng kế hoạch để huy động mọi nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Dự kiến, tổng mức đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 4.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Lợi thế của Đắk R'lấp trong phát triển kinh tế đó là: Điều kiện khí hậu, đất đai khá phù hợp để phát triển cây công nghiệp – cây ăn trái, thực tế ở địa phương cũng từng bước hình thành các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, cao su, vùng trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, cây có múi.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nguồn tài nguyên đá xây dựng và quặng bô xít dồi dào, trữ lượng lớn, đủ để phục vụ chế biến khoáng sản. Trong tương lai huyện hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của cả nước. Bên cạnh đó, quỹ đất sạch sau khai thác bô xít cũng là nguồn tài nguyên thuận lợi để kêu gọi thu hút đầu tư.
Mục tiêu của tỉnh Đắk Nông đặt ra, đến năm 2030, huyện Đắk R'lấp trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững ở vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa địa phương này trở thành trung tâm công nghiệp bôxít-nhôm và sau nhôm của quốc gia.