MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ và các NH nâng mức tín dụng cho các dự án giao thông

Đối với tín dụng, ông Nguyễn Danh Huy tiết lộ, thời gian tới Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ, các ngân hàng nâng mức tín dụng đối với các dự án giao thông.

Sáng nay (ngày 12/12/2014) Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông”. 

Đại diện Bộ Giao thông vận tải- Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) ông Nguyễn Danh Huy đã chia sẻ những định hướng của Bộ GTVT trong thời gian tới về thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nói chung, lĩnh vực giao thông ngoài đường bộ nói riêng.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, chỉ tính riêng năm 2014, đến thời điểm này, ngành GTVT đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Thời gian thu hút vốn nhiều nhất và tăng đột biến trong khoảng thời gian từ 2012 – 2014.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Danh Huy, việc huy động vốn đầu tư vào ngành giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số nguyên nhân được đưa ra là do:

Thứ nhất, vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc hạn chế trừ việc doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa.

Thứ hai, các nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, họ cũng ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư PPP, chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai còn vướng mắc.

Một hạn chế nữa là hành lang pháp lý của chúng ta hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Nhiều đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, địa phương trong quá trình thực hiện dự án. 

Bên cạnh đó, chính sách phí chưa hoàn thiện, chưa có mức phí đường cao tốc, phí cho các lĩnh vực đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không. Đến nay, cũng chưa có cơ chế hỗ trợ phần thiếu hụt tài chính dự án.

Đối với nguồn vốn tín dụng, thị trường tín dụng trung, dài hạn khó khăn, chủ yếu là các khoản tín dụng ngắn và trung hạn, dưới 20 năm. Hiện nay có những dự án cũng chỉ được cho vay 15 năm, cá biệt mới có dự án được vay 20 năm, các tổ chức tín dụng trong nước còn hạn chế về nguồn lực tài chính. Vì thế nhiều khi nguồn thu phí chưa đủ trả lãi trong thời gian đầu khai thác.

Về mục tiêu kêu gọi vốn xã hội hóa trong thời gian tới ông Huy khẳng định Bộ Giao thông sẽ có nhiều chính sách, cơ chế thay đổi để thu hút vốn đầu tư vào ngành giao thông.

Đối với đường bộ, những quốc lộ có tính khả thi đều được xem xét để đầu tư. Tập trung đầu tư kêu gọi  xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1,35m, thủy nội địa tập trung vào các tuyến đông đúc, tập trung nâp cấp các cảng hàng không, hàng hải tập trung vào các cảng đầu mối. Theo số liệu ngành hàng hải, lượng vốn huy động trong những năm qua là rất lớn, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

“Bộ GTVT sẽ có danh mục các dự án đầu tư rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. Đẩy mạnh chính sách nhượng quyền để tạo ra nguồn lực đầu tư. Thành lập lập quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án PPP”.

Về chính sách phí và tài chính sẽ phải tiếp cận chung với các thông lệ quốc tế, các thông tư thu phí hiện nay cần có dự điều chỉnh rõ ràng, giá phí cần có thông tư ban hành rõ ràng.

Đối với tín dụng, ông Nguyễn Danh Huy tiết lộ, thời gian tới Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ, các ngân hàng nâng mức tín dụng đối với các dự án giao thông.


Khánh Nhi

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên