MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính: Quỹ bình ổn góp phần "kìm chân" giá xăng dầu

Việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết vì thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ - công cụ tài chính góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá cả nói chung...

Hiện nay, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể có ý kiến cho rằng không nên níu kéo hay có cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ở nước ta trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, những biện pháp như trợ giá bán xăng dầu; trợ cấp sẽ không còn phù hợp và vi phạm cam kết khi gia nhập WTO.

Trong bối cảnh đó, để có những biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi thị trường có những biến động bất thường thì Quỹ bình ổn giá là một giải pháp cần thiết và phù hợp.

Thực tế đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất kinh doanh nói riêng và không gây ra những bất ổn về kinh tế xã hội.

Hiện nay cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được quy định chi tiết trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu.

Theo đó, các thương nhân đầu mối trích lập Quỹ bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Quỹ bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, dầu diezen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madut...

Như vậy, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

”Nếu trong trường hợp trước đó, bối cảnh giá xăng dầu thấp mà ta không gây Quỹ bình ổn giá sẽ không thể có nguồn để sử dụng khi giá xăng dầu thế giới tăng trở lại. Đặc biệt việc điều hành giá xăng dầu trong nước được đặt trong bối cảnh phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, mà giá thế giới thường xuyên biến động bất thường, tăng giảm khó lường và không thể dự báo xu hướng” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Như vậy, việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết vì thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ - công cụ tài chính góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá cả nói chung.

Đối với người tiêu dùng, nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá, vì vậy mà người tiêu dùng được dùng xăng, dầu ổn định hơn, giảm tần suất và mức độ điều chỉnh.

Đối với kinh tế - xã hội, nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá, vì vậy mà giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp khó lường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên