MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính cần bỏ cách tính thuế chồng thuế!

Không nên vì một số ít có vi phạm, gian lận mà đưa ra quy định bất hợp lý để thu thuế chồng thuế.

Ngoài tiểu thương chợ vải Soái Kình Lâm, hàng loạt tiểu thương tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM cũng lên tiếng phản đối cách tính thuế mới của Bộ Tài chính.

Thuế chồng thuế, chắc dẹp tiệm

Sau khi đọc bài “Tiểu thương phản ứng với thuế mới” (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 25/9), ông MT, tiểu thương chợ Tân Bình, cho biết trong doanh thu khoán của tiểu thương đã bao gồm doanh thu trên hóa đơn. Nếu thu thêm thuế trên phần doanh thu hóa đơn này thì vô lý quá vì tiểu thương đã nộp thuế trên toàn bộ doanh thu rồi! “Nếu bắt phải nộp thêm thuế trên hóa đơn thì phải xác định lại doanh thu khoán là như thế nào, trừ phần doanh thu hóa đơn ra” - ông T. đề nghị.

Một số tiểu thương khác cũng ở chợ Tân Bình cho hay cách đây nửa tháng, ban quản lý chợ có thông báo về cách tính thuế mới có hiệu lực từ 1-1-2016. Chị T, chủ sạp vải ở đường Phú Hòa, bức xúc: “Hiện nay trong số thuế khoán đã đóng chúng tôi được xuất hóa đơn khoảng 180 triệu đồng. Sắp tới cứ xuất hóa đơn thì thu thêm 1,5% thuế, vậy khi buôn bán ế ẩm không xuất hóa đơn thì có giảm thuế khoán, có trả lại thuế cho chúng tôi đâu mà đòi thu thêm thuế!”.

Một số tiểu thương than thở bây giờ làm ăn khó khăn, phải hạ giá để đẩy hàng đi, tăng giá thì không ai mua. Do vậy nếu tính thuế theo kiểu mới thì chỉ có nước dẹp tiệm.

Dự thảo một đàng, Thông tư một nẻo

Cuối tháng 12-2014, Bộ Tài chính có công bố trên website của Bộ bản dự thảo thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân, đưa ra lấy ý kiến cộng đồng. Trong dự thảo này, Bộ quy định thuế thu nhập cá nhân phải nộp = doanh thu tính thuế x thuế suất. Trong đó, doanh thu tính thuế đối với cá nhân kinh doanh là mức doanh thu khoán được ổn định trong một năm.


Nhiều tiểu thương bức xúc với cách tính thuế mới trong lúc kinh doanh còn ế ẩm. Ảnh: HTD

Nhiều tiểu thương bức xúc với cách tính thuế mới trong lúc kinh doanh còn ế ẩm. Ảnh: HTD

Dự thảo này không hề đề cập đến việc tính thuế trên doanh thu trên hóa đơn. Do vậy các tiểu thương, cá nhân kinh doanh không có ý kiến gì về cách tính thuế này bởi cơ bản nó vẫn là cách tính thuế như những năm trước đang ổn định.

Thế nhưng, đến khi ban hành thành Thông tư 92/2015 thì cách tính thuế lại khác hoàn toàn. Đó là “Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn”.

Đã góp ý sửa

Ông Chung Thành Tiến, Trưởng Văn phòng phía Nam Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam, cho biết sau khi Thông tư 92/2015 ra đời, trong các buổi tập huấn về thuế rất nhiều ý kiến phản ánh cách tính thuế vừa trên doanh thu khoán vừa trên hóa đơn là thuế chồng thuế, bất hợp lý, cần phải sửa.

“Ngay cả chi hội cũng từng có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định này và nhiều quy định trong Thông tư 92/2015. Có điều kiến nghị đã lâu, đã nhiều nhưng chưa thấy Bộ Tài chính nói gì, sửa gì” - ông Tiến cho hay.

Còn ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, nhìn nhận trong thực tế một số hộ kinh doanh đã “bán” hóa đơn cho doanh nghiệp cần hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, gian lận thuế với mức “phí” 1,6%-2% để bù đắp cho khoản thuế khoán phải nộp. Doanh nghiệp dùng hóa đơn này để kê khai chi phí đầu vào. Chi phí đầu vào càng nhiều thì doanh nghiệp càng giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, do thuế suất thu nhập doanh nghiệp đến 20%.

Đây cũng là một kẽ hở trong công tác quản lý thuế bằng phương pháp “trực tiếp” (thuế khoán), vốn không xét đến đầu vào - đầu ra thực tế của hộ kinh doanh.

“Nhưng tôi cho rằng không vì một số ít có vi phạm, gian lận mà đưa ra quy định bất hợp lý để thu thuế chồng thuế. Bộ Tài chính nên có biện pháp khác. Ví dụ, làm rõ doanh thu khoán của người kinh doanh sỉ, người kinh doanh lẻ, riêng từng nhóm mặt hàng, từng lĩnh vực đừng cào bằng như hiện nay (hiện gộp chung là ngành phân phối, thương mại). Như vậy thu thuế sẽ đúng thực tế hơn, tiểu thương ít bức xúc hơn”.

 

 

Đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết

Ngày 25-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những bức xúc của tiểu thương về Thông tư 92/2015, bà Tạ Thị Phương Lan, Vụ phó Vụ Thuế Thu nhập cá nhân - Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, nói qua một số trường hợp tại TP.HCM mà báo chí phản ánh, có thể thấy công tác tuyên truyền của Cục Thuế TP.HCM chưa được tốt, dẫn đến việc người kinh doanh hiểu lầm rằng quy định mới tại Thông tư 92 là “vượt mặt” nghị định, luật và “thuế chồng thuế”.

“Các hướng dẫn mới tại Thông tư 92 đảm bảo đúng quy định nhằm mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện theo chính sách và pháp luật, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế một cách bất hợp pháp” - Bà Lan cho biết.

Cũng theo bà Lan, Tổng cục Thuế đang xây dựng các văn bản hướng dẫn và quy trình mới về quản lý thuế đối với hộ khoán dự kiến ban hành vào cuối tháng 10-2015. Theo đó sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng mức doanh thu khoán của năm 2016 đảm bảo các mục tiêu hạn chế tối đa các bất cập trong quản lý thuế đối với hộ khoán trong thời gian qua, đồng thời không gây xáo trộn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh.

“Trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân và kết quả thực tế áp dụng chính sách thuế đối với hộ kinh doanh để nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết tại các kỳ họp Quốc hội tiếp theo”.

Để tránh gây xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, bà Lan cho hay ngành thuế sẽ triển khai việc quản lý hộ khoán theo hướng. Cụ thể: đối với hộ kinh doanh quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, không sử dụng hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế sẽ xây dựng mức doanh thu khoán phù hợp với thực tế, không bao gồm doanh thu hóa đơn. Hộ kinh doanh sẽ nộp thuế theo doanh thu khoán và doanh thu theo hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh.

Đối với hộ kinh doanh lớn, chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, thường xuyên phải sử dụng nhiều hóa đơn thì sẽ được cơ quan thuế tuyên truyền để thành lập doanh nghiệp, thực hiện sổ sách kế toán, xuất hóa đơn và nộp thuế theo thực tế kinh doanh.

Trong thời gian chưa chuyển lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh này cũng vẫn nộp thuế theo hình thức khoán. Doanh thu khoán năm 2016 sẽ được xác định khác với trước đây, doanh thu khoán sẽ chỉ được xây dựng cho doanh thu không xuất hóa đơn, còn đối với doanh thu xuất hóa đơn sẽ nộp thuế theo thực tế phát sinh trên hóa đơn.

Trà Phương (ghi)

Như Quỳnh

Pháp Luật Tp HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên