MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính đã tự đẩy mình vào thế bí

Giá dầu bình quân 6 tháng qua chỉ đạt 60 USD/thùng. Do đó, số thu từ dầu thô trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% so với dự toán.

Để hoàn thành được nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) của năm nay, Bộ Tài chính đã liên tiếp đưa ra hàng loạt kiến nghị với Chính phủ, bộ ban ngành như: Cho phép tăng sản lượng khai thác dầu, vay dự trữ ngoại hối, vay/tạm ứng NHNN 30 nghìn tỷ … Câu hỏi đặt ra là phải chăng nhiệm vụ thu năm nay quá khó khăn? hay mục tiêu đặt ra của Bộ tài chính quá cao?

Trăm sự là tại giá dầu

Tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năn 2015, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết kế hoạch, năm nay (2015) Bộ này đặt mục tiêu thu NSNN đạt 911,1 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý là dự toán thu từ nguồn dầu thô sẽ là 93 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng dự kiến 14,74 triệu tấn, giá bình quân 100 USD/thùng.

Bên cạnh đó, thu nội địa 638,6 nghìn tỷ đồng; đồng thời tiếp tục thu vào NSNN 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 175 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở số thu 260 nghìn tỷ đồng, chi hoàn thuế GTGT 85 nghìn tỷ đồng); Thu viện trợ 4,5 nghìn tỷ đồng.

Cũng tại Hội nghị tổng kết này, đại diện Bộ Tài chính khẳng định dự toán thu NSNN nêu trên được đưa ra căn cứ theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước.

Tuy nhiên, sau vài tháng (khoảng tháng 6/2015) thông tin về NSNN năm nay có thể bị hụt thu 32.000 tỷ đồng do giá dầu giảm đã được Bộ Tài chính xác nhận.

“Giá dầu bình quân 6 tháng qua chỉ đạt 60 USD/thùng. Do đó, số thu từ dầu thô trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% so với dự toán” – Bộ Tài chính đưa ra số liệu thống kê cụ thể.

Bộ này cũng đánh giá, trong bối cảnh những tháng đầu năm 2015 kinh tế chưa có sự tăng trưởng đột phá, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn; giá dầu thô giảm mạnh so với mức giá xây dựng dự toán và diễn biến phức tạp khó lường,...do vậy, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính đã tự đẩy mình vào thế bí khi mà xây dựng kế hoạch thu chi NSNN không sát với diễn biến thực tế của giá dầu và lạm phát. Do đó công tác thu ngân sách bị rơi vào tình trạng bị động là khó tránh khỏi.

Tại sao lại lấy cơ sở giá dầu là 100 USD?

Được biết, thông thường vào tháng 7 hàng năm Bộ Tài chính sẽ làm việc với các địa phương, trên cơ sở đó sẽ đưa ra một con số cụ thể về thu ngân sách để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua (trước khi thực hiện).

Nếu quay trở lại thời điểm tháng 7/2014 – thời gian Bộ Tài chính đang bắt đầu xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách cho năm 2015 thì giá dầu trên thế giới cũng đang giao dịch khoảng 100 USD/thùng. Đây có thể là một trong các lý do để Bộ Tài chính xem là cơ sở do dự toán thu NSNN năm 2015.

Tuy nhiên, ngay sau đó giá dầu đã quay đầu giảm giá và đến thời điểm dự toán thu ngân sách được Bộ Tài chính công bố (tháng 12/2014) giá dầu trên thị trường thế giới chỉ còn 69 USD/thùng.

Cũng tại thời điểm cuối tháng 12, nhiều chuyên gia cả trong nước và thế giới đều dự báo giá dầu năm nay sẽ chỉ giao dịch quanh mức 60 USD/thùng, không thể lên được mức 100 USD như Bộ Tài chính dự báo. Thực tế là ở thời điểm hiện tại giá dầu cũng xoay quanh ngưỡng dưới 50 USD/thùng.

Chính vì thế nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo trước rằng việc thu NSNN năm nay của Bộ Tài chính sẽ gặp khó khăn nếu như không có sự điều chỉnh, bởi lẽ dù gì thì dầu thô cũng đang là một trong những đóng góp nhiều nhất cho NSNN hiện nay.

“Với những diễn biến khó lường của giá dầu thế giới, nếu như ngay từ đầu năm Bộ Tài chính điều chỉnh lại giá dầu cơ sở (100 USD) để làm căn cứ thu ngân sách thì có thể bây giờ mọi điều hành sẽ được chủ động hơn, không rơi vào tình trạng ‘giật áo vá vai’ như hiện nay” – Một chuyên gia kinh tế nói.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên