MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính: Tăng tuổi hưu vì... tuổi thọ người Việt tăng

Chi phí quản lý cho bộ máy BHXH của ta thấp hơn những nước có công nghệ tiên tiến thì không thể nói là bộ máy cồng kềnh.

Bà Nguyễn Thị Minh,Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm TGĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chia sẻ như vậy trước thông tin về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến Bộ Lao động và xã hội phải đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một giải pháp

PV: - Thưa bà trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này có nêu sau năm 2034 nguy cơ vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đó để ngăn ngừa Luật có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên hiện dư luận có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phản ứng đối với đề xuất này. Trên diễn đàn Quốc hội cũng có ý kiến bác bỏ. Theo bà những phản ứng này liệu có thể thông cảm được không?

Bà Nguyễn Thị Minh:- Thực ra tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong 8 nhóm giải pháp để cân đối quỹ. Trong 8 nhóm giải pháp như thay đổi mức đóng, mức hưởng, phát triển đối tượng, khắc phục tình trạng nợ đọng như hiện nay… thì tăng tuổi nghỉ hưu là một trong số giải pháp này.

Tôi cho rằng Quốc hội cũng đang bàn thảo chứ chưa phải là bác bởi vì trong dự thảo Luật lần này đúng là có đề cập tăng tuổi nghỉ hưu nhưng mà cũng phân biệt theo nhóm chứ không phải như thông tin đã đưa là đối với lĩnh vực lao động nặng nhọc mà nữ vẫn 60 tuổi, nam 62 tuổi mới được nghỉ hưu. Như thế là không đúng.

Dự thảo Luật đã phân biệt rất rõ, với những nhóm lao động nặng nhọc hoặc suy giảm khả năng lao động thì vẫn giữ nguyên như Luật hiện hành. Tức là dự thảo Luật lần này vẫn giữ nguyên không có mâu thuẫn với Luật Lao động đã ban hành mà chỉ là cụ thể thêm.

Tuy nhiên tôi cũng xin khẳng định rằng không phải vì mất cân đối Quỹ mà phải tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện tuổi thọ người Việt Nam tăng lên nhiều so với cách đây mấy chục năm, mà từ năm 1960 đến nay chúng ta chưa điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh rất nhiều, thậm chí đến 65-67 tuổi. Do vậy Luật lần này đề cập nâng tuổi nhưng vẫn phải tính sự hợp lý.

PV: - Thưa bà, trên diễn đàn Quốc hội bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH có đề cập hiện Quỹ đang sử dụng chính tiền của người lao động để duy trì bộ máy, trong khi bộ máy lại cồng kềnh, không hiệu quả nên điều này cũng góp phần gây vỡ quỹ. Bà nhận định như thế nào về ý kiến này và theo bà sẽ phải thay đổi như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Minh:- Hiện nay chúng tôi đang được giao nhiệm vụ thu tiền của người lao động và chủ sử dụng lao động để hình thành Quỹ chi trả chính sách cho người lao động. Thực tế chúng tôi chưa sử dụng đến tiền của người lao động mà chỉ sử dụng một phần lãi tăng trưởng rất nhỏ. Toàn bộ số tiền gốc của người lao động được bảo toàn, đem đi đầu tư và sinh lời.

Bất cứ một bộ máy nào cần hoạt động đều cần điều kiện tài chính đảm bảo cho nó. Thực tế chúng ta đang chi tiền cho bộ máy bảo hiểm xã hội tiết kiệm hơn rất nhiều nước. Dù rằng ứng dụng công nghệ thông tin của ta vào việc quản lý còn kém nhưng chi phí quản lý của chúng ta còn thấp hơn những nước có công nghệ tiên tiến như Pháp, Nhật Bản và một số nước phát triển khác thì không thể nói là bộ máy cồng kềnh.

Nếu ai quan tâm thì có thể thấy tỉ lệ người được giao thu bảo hiểm gánh nặng rất lớn, cán bộ rất vất vả. Họ phải làm việc tới 8-9 giờ tối. Tại Hà Nội có tới 200 doanh nghiệp giao cho một cán bộ thu.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn tích cực phấn đấu tới đây khi áp dụng công nghệ thông tin khi công nghệ máy móc sử dụng làm việc thay cho con người nhiều thì sẽ giảm số lao động của bảo hiểm xã hội đi. Số tiền bớt ra sẽ được dành cho phát triển đối tượng và những việc có hiệu quả.

Chắc chắn không để xảy ra vỡ quỹ!

PV: - Thưa bà qua các thông tin cho thấy nguy cơ vỡ quỹ BHXH xuất hiện trong tương lai gần. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ này phần nhiều là do khâu quản lý quỹ chưa ổn. Thậm chí người lao động còn đang thiệt vì tiền lãi của người đóng BHXH sau 30 năm cao hơn cả tiền lương hưu. Do vậy nói sau năm 2034 quỹ BHXH sẽ vỡ là không thuyết phục. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Nguyễn Thị Minh:- Tôi nghĩ rằng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã nghiên cứu rất khách quan và cũng đưa ra những nhận định tương đồng với chúng tôi. Còn các lo ngại đưa ra mới chỉ là đặt giả định với chính sách như hiện nay thì có thể dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ. Song chắc chắn là điều đó không xảy ra vì chúng ta phải sử dụng nhiều giải pháp tích cực.

Còn có ý kiến cho rằng việc quản lý quỹ chưa ổn thì tôi không nghĩ vậy mà nếu có thì chỉ là mong muốn làm tốt hơn thôi.

Như tôi đã so sánh ở trên kể cả với các nước tiên tiến thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm hoạt động hiệu quả thậm chí là tốt hơn các nước phát triển. Nhưng chúng ta muốn hiệu quả hơn nữa.

PV: - Thưa bà hiện dự thảo Luật bảo hiểm tăng chức năng thanh tra và nếu BHXH được trao quyền thanh tra thì nhiều vấn đề vi phạm về BHXH sẽ được giải quyết, việc nợ đóng sẽ được hạn chế . Vậy nếu được thông qua để thực hiện chức năng này thì sẽ phải tuyển dụng thêm hay sử dụng đội ngũ cũ. Nếu là đội ngũ cũ thì họ lại chưa có kinh nghiệm trong việc thanh tra, kiểm tra. Theo bà vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Minh: - Hiện nay bộ máy của chúng tôi đã có khoảng 5.000 người làm chức năng kiểm tra, tuy nhiên chưa có chức năng xử phạt. Họ là những người làm chuyên môn nghiệp vụ, nắm thu, chi nên biết đơn vị nào nợ đọng. Như vậy kỹ năng kiểm tra là có.

Như vậy bộ máy là có sẵn nếu được trao thêm chức năng xử phạt thì hiệu lực của việc kiểm tra đó sẽ tăng lên nhiều và tính răn đe với doanh nghiệp sẽ cao hơn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Bích Ngọc 

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên