Bộ Tài chính yêu cầu rà soát lại quy trình cưỡng chế nợ thuế
Quyết định cưỡng chế nợ thuế được quy định là phải có hiệu lực ngay từ ngày ký nhưng thực tế lại có thể "giãn" thêm 5 ngày. Điều này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, là phải rà soát lại ngay và sẽ sửa nếu có tình trạng trên.
- 03-08-2015Nợ thuế cả nước đã lên tới 74.000 tỉ đồng
- 03-08-2015Quảng Nam: Kiến nghị Thủ tướng xử lý dứt điểm việc nợ thuế trăm tỷ của hai công ty vàng
- 31-07-2015Bộ Tài chính ‘giải oan’ nợ thuế cho DN
Không thu được nợ vì thiếu quyết định
Đưa ra thực tế này trong buổi họp sơ kết 6 tháng ngành thuế ngày 3/8, ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả cưỡng chế nợ chưa cao.
Cụ thể hơn, theo ông Hải, theo quy định hiện tại, khi thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của người nợ thuế, phía ngành thuế sẽ lấy thông tin cần thiết gửi cho ngân hàng. Hiệu lực của quyết định cưỡng chế trên được quy định là có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục thuế thành phố Hà Nội lại chỉ ra, thực tế thời điểm thực hiện quyết định trên có thể được giãn thêm 5 ngày kể từ ngày ký quyết định, trong đó có thời gian gửi giấy tờ, công văn.
Điều này theo ông dẫn tới tình trạng có khi dòng tiền của đơn vị cần cưỡng chế nợ có thể xuất hiện trong ngân hàng nhưng lại chưa có quyết định gửi tới.
Từ đó, ông Hải kiến nghị cần bổ sung thêm cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ quan thuế và ngân hàng theo phương thức điện tử. Vấn đề này theo ông hoàn toàn khả thi nhất là khi việc sử dụng chữ ký số đã phổ biến.
"Từ đó, khi các doanh nghiệp nợ thuế phát sinh dòng tiền tại bất cứ ngân hàng nào trong hệ thống thì các ngân hàng đó sẽ tự động trích số tiền nợ để nộp vào ngân sách Nhà nước cho đến khi hết nợ đồng thời tự hạch toán giảm trừ số nợ thuế trên hệ thống," Cục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội lên tiếng.
Ý kiến này của ông Hải được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng "phải suy nghĩ." Theo ông, không thể có tình trạng nghị định yêu cầu quyết định cưỡng chế có hiệu lực ngay nhưng quy trình làm việc lại cho thêm 5 ngày. Vấn đề này theo ông phải rà soát lại xem đúng hay không và phải sửa ngay nếu đang xảy ra.
Nới bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp khó khăn?
Đưa ra thêm ý kiến trên địa bàn mình, ông Lê Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, đây là vấn đề "nan giải" khi những khoản nợ phát sinh vẫn đang dày lên, nhưng các biện pháp cưỡng chế thực tế vẫn không thu được với một số doanh nghiệp. Ông Sơn cũng đặt ra câu hỏi có nên áp dụng luật phá sản vào quy trình cưỡng chế nợ thuế.
Điều này được ông giải thích là có thể quy định việc xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Cơ quan thuế với vai trò như một chủ nợ sẽ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến tòa án.
Ở hướng khác, với những đơn vị thực sự khó khăn, Cục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ, đây là những doanh nghiệp không có dòng tiền để nộp hết một lần số nợ thuế vào ngân sách. Theo ông, những đơn vị trên cũng khó xin ngân hàng, tổ chức tín dụng bảo lãnh do cơ chế quản lý, thủ tục của các cơ quan này khá chặt chẽ.
Ông Hải đề xuất, cơ quan chức năng có thể cho phép người nộp thuế được cam kết nộp dần trong 12 tháng với các đơn vị khó khăn mà không cần bảo lãnh của ngân hàng. Việc này theo ông có thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang ở vào tình huống khó khăn.
"Trường hợp người nộp thuế không thực hiện nộp được theo đúng cam kết thì sẽ thực hiện cưỡng chế nợ thuế ngay," ông Hải đưa ra ý kiến./.
Tổng nợ thuế toàn ngành tính đến thời điểm 30/6 là 74.500 tỷ đồng, tăng 2% sp với thời điểm cuối năm ngoái. Trong số này, khoản phạt và tiền chậm nộp chiếm tỷ trọng 20,7% tổng số tiền nợ và tăng 30,5% so với thời điểm 30/12/2014. Các khoản nợ khó thu (chết, mất tích, đã giả thể, lầm vào tình trạng phá sản,…) chiếm tỷ trọng 15,6%, tăng 2,3% so với cuối năm trước.