Bộ trưởng Công thương trải lòng về một năm khó khăn với xuất khẩu
Năm 2015 là một năm hết sức khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam do yếu tố khách quan như giá nhiều hàng hóa, sản phẩm có lợi thế bị giảm nhiều, đặc biệt như dầu thô giảm đến 70 % so với năm 2014 hay giá một số hàng hóa nông sản, thủy sản giảm sâu.
- 17-12-2015Giá dầu “chạm đáy”, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam “mất” bao nhiêu?
- 22-11-2015Xuất khẩu mất hơn 3 tỷ USD vì giá dầu
- 19-11-2015Xuất khẩu nông sản: Một năm nỗ lực "vượt khó"
Bên lề Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương diễn ra cuối tháng 12/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ với báo chí về kế hoạch 2016, những nhiệm vụ chủ yếu Bộ Công Thương sẽ triển khai để hoàn thành kế hoạch Đảng, Chính phủ giao phó Bộ Công Thương.
Theo đó, Bộ trưởng cho biết, năm 2015 là một năm hết sức khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam do yếu tố khách quan như giá nhiều hàng hóa, sản phẩm có lợi thế bị giảm nhiều, đặc biệt như dầu thô giảm đến 70 % so với năm 2014 hay giá một số hàng hóa nông sản, thủy sản giảm sâu.
“Nếu như những mặt hàng này, nhất là dầu thô không giảm giá sâu như vậy thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 2015 của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí là cao hơn” – Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng dẫn chứng, trừ kim ngạch xuất khẩu dầu thô còn lại thì tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta cũng đạt trên 10% so với năm 2014.
Tuy nhiên, để năm 2016 đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã giao cho ngành Công Thương là tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 10%, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đầu tiên phải thực thi tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tận dụng được những ưu đãi mà Hiệp định này mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Các thủ tục về hải quan, các thủ tục về cấp phép phải được thông thoáng hơn, phải được dễ dàng hơn. Qua đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, từ đó làm cho hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh hơn.
Giải pháp thứ ba là phải tìm kiếm thêm những thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống. Lâu nay chúng ta vẫn tập trung vào Châu Âu, Hoa Kỳ, các nước Đông Bắc Á… nhưng thị trường Châu Phi hay thị trường Liên bang Nga, thị trường các nước thuộc khối SNG là những thị trường chúng ta cần phải coi trọng.
Ngoài ra, theo Tư lệnh ngành Công thương, nếu chúng ta thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan đến kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu thì chắc chắn hiệu quả của công tác xuất nhập khẩu sẽ tốt hơn.
Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với các nguồn tín dụng thuận lợi, tỷ giá sao cho linh hoạt phù hợp, khuyến khích được việc xuất khẩu. Các thủ tục liên quan đến hải quan, thuế, liên quan đến cấp phép cần được thông thoáng hơn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
“Cuối cùng, chúng ta cần thực thi một cách nghiêm túc những cam kết khi Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động từ ngày 31/12/2015. Thực thi nghiêm túc thỏa thuận của Việt Nam đã đạt được thì chắc chắn năm 2016 xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn năm 2015” – Bộ trưởng khẳng định.