MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chưa đủ bằng chứng để khẳng định Coca Cola Việt Nam trốn thuế

"Tổng cục Thuế đã đi kiểm tra nhưng không kết luận Coca Cola chuyển giá ở Việt Nam. Khi chưa có bằng chứng thì không có kết luận họ chuyển giá được..."

Chia sẻ tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen đánh giá, kể từ năm 2013, tình hình vĩ mô bất ổn trong thời gian ngắn chính phủ thay đổi rất lớn. Điều hành của Chính phủ đã hiệu quả hơn và đúng đắn hơn.

Các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt việc gia nhập AEC và TPP sẽ mở ra những cơ hội mang tính lịch sử cho Việt Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cũng thẳng thắn nhận định, tỷ trọng FDI trong nền kinh tế Việt Nam hiện tại khá lớn, làm mất đi nhiều cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

“Đây là một điều mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều hết sức trăn trở. Chúng tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phải được dẫn dắt bởi những tập đoàn của Việt Nam thì mới có thể tự chủ lâu dài được” – ông Vũ nhấn mạnh.

Ông Vũ cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động minh bạch, thuế đóng đủ nhưng các doanh nghiệp FDI, chuyện chuyển giá khá phổ biến. Doanh nghiệp Việt Nam tuổi đời ngắn, tiềm lực yếu, sức lực cũng đã yếu qua thời gian khó khăn vừa qua, khó cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI chuyển giá.

“Như Coca Cola ở Việt Nam, họ chuyển giá rất rõ, từ khi vào Việt Nam liên tục báo lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng” - Ông Vũ lấy ví dụ.

Do vậy, ông Vũ cho rằng, chính sách vĩ mô phải tạo sự công bằng để cạnh tranh. Nếu không chống được chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI sẽ không bảo vệ được doanh nghiệp trong nước.

Trước e ngại của ông Vũ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định, doanh nghiệp trong nước mới tạo ra thương hiệu sản phẩm của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên hay nước mắm Phú Quốc chứ không phải Samsung. Đáng tiếc là doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh nên cần hỗ trợ nhiều.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cũng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Samsung hay các nhà đầu tư sản xuất ô tô Nhật Bản vào Việt Nam, họ cũng cần có các doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh kiện cho họ.

Do đó,một trong những mục tiêu thu hút vốn FDI là để tạo cạnh tranh thay đổi công nghệ, nếu ta đóng cửa như thời bao cấp… sẽ rất trì trệ.

“Một nền kinh tế muốn phát triển bền vững cần phải “đi bằng cả hai chân”: một chân là doanh nghiệp trong nước, một chân là doanh nghiệp FDI” – Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định với các nhà đầu tư tham gia diễn đàn.

Riêng về ví dụ trường hợp trốn thuế của Coca Cola Việt Nam mà ông Vũ lấy ví dụ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Anh Vũ nói vậy tôi không đồng tình. Tổng cục Thuế đã đi kiểm tra nhưng không kết luận Coca Cola chuyển giá ở Việt Nam. Khi chưa có bằng chứng thì không có kết luận họ chuyển giá được”.

“Tôi đã sang Mỹ, đến cả thủ phủ của Tập đoàn Coca Cola và họ cho thấy họ là tập đoàn kinh doanh toàn cầu. Họ cho biết sẽ điều chỉnh chính sách. Từ tháng 7 vừa qua tại Việt Nam, Coca Cola Việt Nam đã có lãi và họ nói từ nay sẽ liên tục có lãi” - Bộ trưởng Vinh nói.

Cũng theo Bộ trưởng Vinh: “Coca Cola họ tuyên bố họ là tập đoàn. Ta không thể áp đặt nói là họ chuyển giá khi không có bằng chứng. Như anh, nếu có ai nói anh trốn thuế mà không có bằng chứng thì anh cũng sập tiệm ngay”.

Kết thúc phiên thảo luận về vấn đề “Việt Nam trên đà tăng tốc” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kết luận: Lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài tương đối nhanh, đi nhanh hơn bước chân của doanh nghiệp chúng ta trong nước... Chúng ta cần đi nhanh hơn, chứ không thể đóng cửa với FDI.

Khánh Nhi - Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên