MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hoan nghênh HAG nhập bò Úc về nuôi

"Hoàng Anh Gia Lai đi nhập khẩu bò Úc về để nuôi, chúng tôi hoan nghênh. Chúng ta một mặt hỗ trợ cho nhân dân để nuôi, một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ làm nòng cốt để họ nuôi và họ phổ biến cho nhân dân cùng nuôi".

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội diễn ra sáng nay 11/6.

Cụ thể, trước câu hỏi của đại biểu Điểu K'Rứ (Đắk Nông) về chính sách gì để thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc trên Tây Nguyên? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhất trí rằng Tây Nguyên có tiềm năng để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

"Nhưng tại sao đến nay chưa phát triển mạnh mẽ? Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có tuyên truyền, phổ biến nhiều hơn cho nhân dân, đặc biệt phổ biến giống có yêu cầu của thị trường sát hơn." - bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng, chúng ta cũng có phê phán rằng chúng ta nhập khẩu quá nhiều bò từ nước Úc nhưng trên thực tế thì chất lượng của bò Úc cao hơn nhiều. Vì thế, tôi có chủ trương và đề nghị nhiều địa phương cho đi nhập khẩu giống bò Úc về để nuôi tại địa phương.

“Tôi sang Úc, đi tháp tùng Thủ tướng tôi thấy điều kiện khí hậu của họ rất nhiều vùng giống như chúng ta, nên hoàn toàn chúng ta có thể đem bò giống Úc về để nuôi. Còn việc nghiên cứu, lai tạo để có được những giống bò chất lượng như Úc thì phải có thời gian. Hoàng Anh Gia Lai đi nhập khẩu bò Úc về để nuôi, chúng tôi hoan nghênh. Chúng ta một mặt hỗ trợ cho nhân dân để nuôi, một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ làm nòng cốt để họ nuôi và họ phổ biến cho nhân dân cùng nuôi” – Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) về vấn đề chi phí cho ngành chăn nuôi ở nước ta hiện nay là rất cao, nhất là chi phí về giống và thức ăn chăn nuôi. Cụ thể là trong chăn nuôi lợn, chi phí cho thức ăn chiếm 65 - 70%, chi phí để giống là 20%; Trong chăn nuôi gà chi phí cho thức ăn là 69%, chi phi giống là 17%... Làm cho giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước.

Đại biểu Xuyền cho rằng, chính vì điều này khiến cho nguy cơ tụt hậu của ngành chăn nuôi ở nước ta là hiện hữu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết ý kiến của mình về vấn đề này và có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?

Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ với đại biểu cũng như người nông dân và cho biết, Bộ này đang dốc lực vào để có những cải tiến về con giống, bắt đầu từ việc chấn chỉnh lại đàn đực giống.

“Tôi đang chỉ đạo ngoài việc tăng cường nghiên cứu ở trong nước thì đi nhập khẩu các giống tốt, một con lợn nái của chúng ta đẻ được 26 con, nhưng ở Đan Mạnh đẻ dưới 30 con người ta không nuôi. Vì thế nên tôi nói đồng chí Cục trưởng chăn nuôi cùng với các doanh nghiệp đi sang Đan Mạch và tháng vừa rồi các đồng chí đã ký hợp đồng nhập hàng nghìn con giống về. Tương tự như vậy chúng tôi sẽ tiếp tục làm đối với các loại con khác” – Bộ trưởng nói với đại biểu Quốc hội.

Đối với thức ăn chăn nuôi, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát tồn tại lớn nhất trong thức ăn chăn nuôi của nước ta là thiếu đạm, trong thức ăn phải có một tỷ lệ nhất định là đạm, nhưng nước ta các loại sản phẩm có đạm lại làm ít, chúng ta sản xuất được 160.000 tấn đỗ tương thì quá ít so với yêu cầu.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng, năm 2014 chúng ta nhập khẩu 150.000 tấn đỗ tương và gần 4 triệu tấn khô dầu và hàng trăm nghìn tấn bột cá, bột xương có giàu đạm để pha vào trong thức ăn.

Bộ trưởng đặt câu hỏi: Chúng ta có thể làm những thứ đó được không? Và trả lời: Nước ta không có lợi thế để làm những việc đó.

“Năm ngoái chúng ta nhập 4,7 triệu tấn ngô, vì giá ngô trên thế giới thấp mà chúng ta thì thiếu, riêng ngô chúng ta có thể làm được. Vì thế chúng tôi đang rất nỗ lực cùng với các địa phương để phát triển sản xuất ngô trong nước, để giảm giá thành xuống thì năng suất ngô của chúng ta còn quá thấp, mới đạt có 4,4 tấn/ha, chủ yếu do chúng ta hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân chưa được sâu sát.

Chúng tôi đang ngoài việc phổ biến các giống có năng suất cao hơn thì quan trọng nhất vẫn là việc hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật. Ở nhiều vùng trồng ngô lớn thì hiện nay nhân dân không trồng ngô, bởi vì giá nhân công quá cao, nên việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để cơ giới hóa đang được chú trọng”- Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên