MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải tiếp dân hàng tháng

Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải tiếp dân ít nhất 1 ngày/tháng, chủ tịch xã phải tiếp dân ít nhất 1 ngày/tuần, chủ tịch huyện 2 ngày/tháng... Đó là những quy định của luật Tiếp công dân vừa được QH thông qua chiều nay.

Chiều nay, QH đã thông qua luật Tiếp công dân. Một trong những nội dung quan trọng của luật này là nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước.

Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở TƯ ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần.

Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… cũng sẽ tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng.

Những người đứng đầu các cơ quan này sẽ thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong trường hợp vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia; vụ việc nếu không xem xét, chỉ đạo kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản nhà nước...

Một điểm đáng chú ý trong luật là bổ sung thêm Ban Nội chính là cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên ở TƯ và cấp tỉnh như đề nghị của nhiều vị đại biểu QH.

Giải trình về bổ sung quy định này, Thường vụ QH cho rằng, mặc dù số lượng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi chức năng của Ủy ban Kiểm tra, các ban Đảng TƯ không nhiều. Tuy nhiên, các cơ quan này tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở sẽ giúp các cơ quan lãnh đạo của Đảng đánh giá, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Về địa điểm tiếp công dân, nếu như theo dự thảo trình QH đầu kỳ họp quy định phải “khang trang, lịch sự”, thì luật thông qua lần này đã bỏ tiêu chí trên để phù hợp với điều kiện khó khăn của đất nước hiện nay.

Thường vụ QH cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc bố trí cơ sở vật chất địa điểm tiếp công dân phải đảm bảo tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác này.

Luật nghiêm cấm cán bộ tiếp công dân gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người đến khiếu nại tố cáo, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân…

Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Theo Tá Lâm

cucpth

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên