Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Rất cần lộ trình tăng lương
Dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn rất cần lộ trình tăng lương.Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định khi trả lời chất vấn của ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) về vấn đề lương tối thiểu tại Quốc hội chiều 13-6.
Chiều nay, 13-6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền tiếp nối phiên chất vấn và
trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Kinh tế suy thoái, người nghèo không thể không bị ảnh hưởng
Trong
phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ
trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết phát ngôn “lạm phát và suy thoái
kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người nghèo” của Thứ trưởng
Bộ LĐ-TB-XH tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 5 là quan điểm
của cá nhân Thứ trưởng hay của Bộ, trách nhiệm của người phát ngôn thế
nào.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã bác bỏ ngay quan
điểm này và khẳng định đó là quan điểm của cá nhân vị Thứ trưởng đó. Bộ
trưởng khẳng định, suy thoái kinh tế dứt khoát ảnh hưởng đến đời sống
của người nghèo. Đảng và Chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm các giải
pháp an sinh xã hội, có chính sách hỗ trợ người nghèo từ chăm sóc sức
khỏe, học hành, đất đai, vay vốn tạo việc làm… Tuy nhiên cũng mới hạn
chế được một phần khó khăn chứ không phải đã hết khó khăn.
Trả lời
chất vấn của ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) có lãng phí hay không khi các
trường dạy nghề được tập trung xây dựng cơ sở vật chất nhưng vắng học
sinh trong khi doanh nghiệp tuyển lao động không được, Bộ trưởng Phạm
Thị Hải Chuyền thừa nhận đây là một bất cập của ngành, cần phải có giải
pháp tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân có phần do nhận thức
trong nhân dân và giới trẻ phần đông đều muốn vào trường trung cấp
chuyên nghiệp và ĐH, không muốn trở thành lao động trực tiếp.
Bộ trưởng cũng thừa nhận có tình trạng doanh
nghiệp nước ngoài chỉ muốn tuyển thẳng học sinh để tự đào tạo vì chúng
ta vẫn đào tạo cái ta có sẵn như về ngành dịch vụ có du lịch, khách sạn,
ngành công nghiệp có hàn điện…, một số nghề mới chưa thể đào tạo được
ngay.
Từ những bất cập này, Bộ trưởng nói: “Tôi thấy
trách nhiệm của mình rất lớn. Tới đây, Bộ sẽ đề xuất 2 nội dung quan
trọng. Đó là khắc phục những hạn chế, bất cập trong đào tạo nghề cho lao
động nông thôn từ cơ sở hạ tầng đến đội ngũ giáo viên, phương pháp đào
tạo. Đồng thời, kế hoạch đào tạo của trường dạy nghề phải gắn với thị
trường lao động tại địa phương. Các trường phải hình thành đội ngũ tư
vấn tiếp thị tìm hiểu các doanh nghiệp địa phương cần gì thì đào tạo
ngành nghề phù hợp.
Bộ trưởng một lần nữa “thấy trách nhiệm” khi ĐB
Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) chất vấn vì sao Pháp lệnh ưu đãi người có
công đã có, Nghị định đã có nhưng Bộ chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện
để địa phương phải trông chờ.
Bị động trong điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng
Đề cập đến
vấn đề tiền lương của người lao động, ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) cho
rằng theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn,
tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2013, cầu lao động tăng 0,9% nhưng Bộ
LĐ-TB-XH lại xin giãn lộ trình điều chỉnh tiền lương.
“Vậy xin hỏi Bộ trưởng, khi tham mưu cho Chính
phủ về tiền lương tối thiểu, Bộ LĐ-TB-XH có tính đến quy luật cung - cầu
và tính đến niềm mong chờ của người lao động đối với việc điều chỉnh
tiền lương chưa?” - ĐB Trần Thanh Hải đặt câu hỏi.
Vị ĐB là Chủ tịch LĐLĐ TP HCM này cho rằng, điều
chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2013, công bố ngày 4-12-2012, chỉ có
26 ngày để chuẩn bị, gây khó cho doanh nghiệp. Mức điều chỉnh tăng cũng
thấp hơn so với mức thấp nhất so với các phương án mà Bộ LĐ-TB-XH đã
trình Chính phủ. Hệ quả là quan hệ lao động diễn biến hết sức phức tạp.
“Vậy xin hỏi, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2014
tới đây, còn tái diễn tình trạng này không?” - ĐB Trần Thanh Hải nêu câu
hỏi thứ 2.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hàng năm,
theo nghị quyết của Trung ương, Bộ LĐ-TB-XH xây dựng lộ trình quy định
tăng lương tối thiểu để các doanh nghiệp có cơ sở căn cứ để trả lương
cho người lao động.
Năm 2012, khi xây dựng tiền lương tối thiểu vùng,
mức cao nhất là trên 2 triệu đồng thì có 2 luồng ý kiến. Ý kiến thứ
nhất cho rằng tăng như vậy mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của
người lao động. Còn ý kiến thứ 2 lại cho rằng tăng như vậy là không biết
chia sẻ với doanh nghiệp bởi trong lúc doanh nghiệp khó khăn lại tăng
lương, làm cho doanh nghiệp càng khó khăn.
Tuy nhiên, bà Chuyền nói: "Là cơ quan làm chính
sách, chúng tôi thấy rất cần lộ trình và quy định 4 vùng để tăng lương,
vì nó phù hợp trong bối cảnh khó khăn. Người lao động và doanh nghiệp
phải cùng chia sẻ ".
Phân trần về việc mức tăng lương không được như
mong muốn, Bộ trưởng cho biết mức tăng như đã thực hiện là đã tính đến
cả hai yếu tố quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của doanh
nghiệp.
Chưa hài lòng với trả lời chất vấn của Bộ trưởng
Phạm Thị Hải Chuyền, ĐB Trần Thanh Hải bấm nút xin tiếp tục được đặt câu
hỏi: “Điều tôi quan tâm nhất là việc việc điều chỉnh tăng lương tối
thiểu vùng trong năm 2014 tới đây có còn tái diễn tình trạng bị động như
trong năm 2013 vừa qua hay không?”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền “nợ” câu trả lời đến sáng mai vì đã hết thời gian làm việc ngày 13-6, QH nghỉ.
Theo Tô Hà - Văn Duẩn