MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh tái đầu tư công trong giai đoạn 2011 - 2013

Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2013 có xu hướng tăng cả về tỷ trọng lẫn số tuyệt đối.

Báo cáo về kết quả thực hiện tái cơ cấu đầu tư công trong giai đoạn 2011-2013 có một số nổi bật so với giai đoạn trước 2010 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày trong phiên họp Quốc hội diễn ra sáng ngày 1/11/2014 đánh giá: Đầu tư từ khu vực nhà nước đóng góp đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh tổng cầu giảm, đầu tư từ các khu vực khác giảm sút.

Cụ thể, báo cáo nêu rõ với những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, tổng cầu giảm, đầu tư khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm và thiếu ổn định.

Riêng năm 2013 cho thấy tỷ trọng đóng góp của hai khu vực này giảm tương xứng là 0,9% và 2,5% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với năm 2011.

Trong bối cảnh đó, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2013 có xu hướng tăng cả về tỷ trọng lẫn số tuyệt đối (năm 2013 chiếm khoảng 37,6%, tăng 0,6% so với năm 2011, thấp hơn 0,2% so với năm 2012).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 chiếm 37%, năm 2012 chiếm 37,8%, năm 2013 chiếm khoảng 40,4%;

Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân năm 2011 chiếm 38,5%, năm 2012 chiếm 38,9%, năm 2013 chiếm khoảng 37,6%; tỷ trọng vốn đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2011 chiếm 24,5%, năm 2012 chiếm 23,3%, năm 2013 chiếm khoảng 22%.

Do vậy, mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng với tốc độ thấp hơn thời kỳ trước, nhưng tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên, trong khi tỷ trọng đầu tư của các khu vực khác đều suy giảm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển trong bối cảnh môi trường kinh tế khó khăn.

Việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã thu được kết quả nhiều hơn, tiêu biểu huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút gần 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án, có 15 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 1 và 3 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 14.

Có 16 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT và BT trong các lĩnh vực nhiệt điện, nước, hạ tầng đô thị.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã giảm mạnh so với các năm trước; bình quân giai đoạn 2011-2013 là 19,57%/năm (nếu tính cả dự kiến năm 2014 là 18,73%) trong khi giai đoạn 2006-2010 là 28%.

Việc rà soát sử dụng và bố trí vốn cho từng dự án được kiểm soát chặt chẽ. Kiên quyết cắt giảm, chỉ bố trí vốn đầu tư đối với những dự án đủ điều kiện về hồ sơ, hiệu quả kinh tế-xã hội.

Hơn nữa, số lượng dự án được bố trí cũng giảm hàng năm đã góp phần tăng số vốn bố trí bình quân từ 9,54 tỷ đồng/dự án (năm 2012) lên 10,68 tỷ đồng (năm 2013) và 11,04 tỷ đồng (năm 2014).

Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, Chính phủ đã bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ theo xu hướng tăng (năm 2014 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, gấp 2,22 lần so với năm 2011 và năm 2012; gấp 1,67 lần so với năm 2013), tập trung vào các mục tiêu trên cơ sở triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác quản lý số nợ đọng xây dựng cơ bản còn chưa kịp thời, đến nay mới có số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 30/6/2013 là 43.358 tỷ đồng của 15.638 dự án.

Báo cáo cũng cho biết, mặc dù nguồn ODA chỉ chiếm khoảng 4% GDP song lại chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn đầu tư từ NSNN (bình quân chiếm khoảng 15-17%).

Về vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, trong giai đoạn 2011-2013 Ngân hàng Phát triển Việt Nam luôn bảo đảm huy động đủ vốn theo kế hoạch phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong những năm này bình quân giải ngân tín dụng đầu tư đạt khoảng 93%.


Khánh Nhi


hanhle

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên